Hạ tầng

Hai lần lỡ hẹn xây cầu Mỹ Thuận

15/04/2014, 06:07

Ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận, hàng nghìn người dân miền Tây ùn ùn đổ về để được tận mắt chứng kiến cây cầu hùng vĩ.

Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng lớn nhất đầu tiên ở Việt NamẢnh: Lã Anh
Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng lớn nhất đầu tiên ở Việt Nam


Xây cầu Mỹ Thuận theo kiến trúc cổ


Dòng sông Tiền, sông Hậu vốn hiền hòa mang lại cho người dân ĐBSCL một vùng đất phù sa màu mỡ, cây trái quanh năm. Nhưng cũng chính hai con sông lớn này lại là “điểm tắc” lớn nhất trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Trải qua bao đời, những người con đất Việt “mang gươm đi mở cõi” chinh phục vùng đất phù sa để xây dựng một Tây Đô - Cần Thơ trù phú. Thế nhưng, từ anh Hai Lúa đến chàng Công tử vùng miệt vườn muốn lên Sài Thành chơi cũng phải mất mấy ngày trời. Ước mơ có những cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu để bớt cảnh “lụy phà” là niềm mong mỏi bao đời của người dân miền Tây.


Ít ai biết rằng cầu Mỹ Thuận trước đây đã từng hai lần được người Mỹ nghiên cứu xây dựng. Từ những năm 1950 người Mỹ đã có ý định giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng cây cầu này. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận lần đầu tiên bị phá sản. 


Đến khoảng giữa thập niên 1960, một lần nữa dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận lại được chính quyền Sài Gòn đưa ra bàn thảo và thuê hẳn Công ty tư vấn Nippon Koei của Nhật Bản thiết kế. Không những thế, Nippon Koei đã hoàn thành đồ án và được lựa chọn. Theo đồ án này, cầu Mỹ Thuận có lối kiến trúc cổ điển, bằng sắt tương tự như các cầu lớn của ÐBSCL bấy giờ. Nhưng rồi những khó khăn về tài chính khiến cầu Mỹ Thuận chưa được khởi công. 


Và rồi 25 năm sau ngày đất nước thống nhất, chính những người Việt Nam đã viết nên trang sử vàng khi xây dựng và hoàn thành cầu Mỹ Thuận trong niềm vui khôn xiết của hàng triệu người dân.

Niềm vui vỡ òa


Hơn 15 năm về trước, anh Nguyễn Phi, hiện là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) là chỉ huy trưởng của Công ty 61, nhà thầu phụ thi công toàn bộ phần cọc khoan nhồi và đúc thân bệ trụ trên bờ. Anh Phi kể: Thời đó Việt Nam cũng đã bắt đầu xây nhiều cầu lớn nên về mặt kỹ thuật thi công móng, trụ của cầu Mỹ Thuận không có gì bỡ ngỡ, chỉ khác nhau ở quy mô. Tuy nhiên, cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng đầu tiên với quy mô lớn nhất nên lúc nào anh em cũng mang trong mình tâm trạng thấp thỏm, tự hào lớn nhưng áp lực không hề nhỏ.


Một cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trước đây kể: Xây cầu ngày đó không như bây giờ, với ý nghĩa của cây cầu hằng mong ước, người dân địa phương rất quan tâm, luôn dõi theo mọi bước tiến về tiến độ, chất lượng công trình. “Hồi đó, lúc anh em mới bắt tay vào thi công, công trường chưa xây dựng được lán trại, nhiều nhà dân đã chủ động mời cán bộ, công nhân vào nhà ở. 
 

Cầu Mỹ Thuận nằm trên tuyến QL1 bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án được khởi công ngày 6/7/1997 và hoàn thành ngày 21/5/2000. Cầu Mỹ Thuận có chiều dài 1.535m trong đó phần cầu dây văng dài 350m; rộng 23,66m; cao 116,5m. Tổng nguồn vốn đầu tư: 90,86 triệu đô la Úc, trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%. Dự án do công ty Snowy Mountains Engineering Corp (Úc) nghiên cứu khả thi. Công ty Maunsell Engineering (Úc) thiết kế. Chủ đầu tư là Bộ GTVT. Công ty Baulderstone Hornibrook (Úc) là nhà thầu chính, với sự trợ giúp của Freyssinet (Pháp) trong việc kéo dây cáp. Nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6.

Không những cho nghỉ, người dân miệt vườn sông nước Cửu Long vốn thuần phác, cởi mở còn thường xuyên chăm lo từng bữa ăn cho anh em công nhân. Có gì ngon đều mang ra thiết đãi anh em. Cũng vì thế, chuyện GPMB để phục vụ thi công dự án không phức tạp như bây giờ. Mọi người đều chủ động di dời, bàn giao mặt bằng sớm nên chẳng có chuyện phải cưỡng chế. Có nhà còn mở rộng vườn tược, che mái để cho công nhân nghỉ trưa”.

Đã 14 năm trôi qua, nhưng ông Trần Văn Chương ở Vĩnh Long vẫn không thể quên không khí ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận. Nhiều cụ già từ các tỉnh xa xôi như Cà Mau, An Giang từ tờ mờ sáng đã bắt con cháu đưa đi để tới xem cho bằng được cây cầu mơ ước. Có người còn đi từ ngày hôm trước. Khi cây cầu chính thức thông xe, một rừng người từ hai bên đều hướng về giữa cầu để chiêm ngưỡng hai trụ tháp cao vời vợi và nhìn xuống con sông Tiền với một niềm kiêu hãnh. Có người còn đi bộ từ bên này sang bên kia để được sờ tay lên thành cầu một cách trân trọng. Đêm đến, ánh sáng của những ngọn đèn chiếu vào những sợi dây cáp cầu Mỹ Thuận trông càng lộng lẫy. “Niềm vui lúc đó như vỡ òa. Người dân vẫn chưa tin là sẽ có một cây cầu lớn bắc qua sông Tiền hùng vĩ và đẹp đến thế” - ông Chương kể. 


Đại sứ Australia tại Việt Nam lúc đó là ông Michael Mann cũng có mặt trong ngày trọng đại đó. Ông không dấu nổi niềm vui trên khuôn mặt rạng ngời khi chứng kiến những người nông dân lặn lội từ xa  về chiêm ngưỡng cầu Mỹ Thuận với niềm vui khôn tả. “Cầu Mỹ Thuận là một công trình có ý nghĩa vô cùng lớn bởi nó khởi đầu giai đoạn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cấp Chính phủ được thiết lập giữa Việt Nam và Australia” - ông Michael Mann nói.

Trường học  lớn  với những kỹ sư Việt


Cầu Mỹ Thuận hoàn thành không những có ý nghĩa nối thông QL1, phát triển KT - XH vùng ĐBSCL mà còn là một trường học lớn với nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân cầu Việt Nam. Anh Nguyễn Phi - Phó Tổng giám đốc Cienco 6 kể: Khi tham gia dự án, anh em cán bộ kỹ thuật, công nhân đều có chung một suy nghĩ là cố gắng học hỏi, tiếp cận những công nghệ mới của nước ngoài. “Ở cầu Mỹ Thuận, có nhiều kỹ sư nước ngoài trực tiếp thi công chứ không chỉ giám sát như những công trình khác. Vì vậy, ngoài tiếp cận công nghệ, anh em còn học hỏi phong cách làm việc, tổ chức quản lý, điều hành trên công trường của họ” - anh Phi nói. 


Khi cầu Mỹ Thuận còn đang trong giai đoạn chạy nước rút về đích, những cán bộ, kỹ sư của Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu nối Tiền Giang với “ốc đảo” Bến Tre. Để rồi 4 năm sau, cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, thi công đã được khánh thành trong  niềm tự hào của bao nhiều thế hệ cán bộ, kỹ sư ngành Giao thông. Sau đó, với một loạt cầu dây văng khác như: Bãi Cháy, Bính, Phú Mỹ, Cần Thơ… các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn tự tin và làm chủ được công nghệ cầu dây văng - một công nghệ cầu tiên tiến bậc nhất trên thế giới hiện nay.

 

Phan Tư
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.