Thế giới

Hai mảnh vỡ "gần như chắc chắn" từ MH370 mất tích

16/05/2016, 07:04

Chính phủ Malaysia xác nhận hai mảnh vỡ tìm thấy ở Nam Phi và đảo Rodrigues “gần như chắc chắn” từ máy bay MH370.

Một phần cánh được cho là của máy bay M

Một phần cánh được cho là của máy bay MH370 được tìm thấy tại khu vực đảo Reunion

Cuối tuần trước, liên quan đến việc chuyến bay MH370 mất tích năm 2014, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho hay sẽ tổ chức một cuộc gặp ba bên với Trung Quốc và Australia vào tháng 6 hoặc tháng 7, trước khi chương trình tìm kiếm chiếc máy bay xấu số trên khu vực rộng 120.000 km2 kết thúc.

Trước đó, hồi đầu tháng 5/2016, ông Scott Morrison - Bộ trưởng Ngân khố Australia tuyên bố sẽ ngừng cấp kinh phí cho công tác tìm kiếm MH370. Hiện Australia đã chi hơn 90 triệu USD cho công tác tìm kiếm và điều này khiến Cơ quan An toàn giao thông vận tải (ATSB) phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách từ 102 triệu USD/năm xuống còn 19,2 triệu USD.

Ông Liow Tiong Lai cho biết, hoạt động tìm kiếm tiếp tục ngày 13/5 tại khu vực phía Nam Ấn Độ Dương, trên diện tích hơn 105.000 km2 và tin tưởng sẽ tìm được mảnh vỡ chính, để tiếp tục quá trình tìm kiếm. Theo ông Liow sẽ không thay đổi địa điểm tìm kiếm, bởi căn cứ trên mảnh vỡ được tìm thấy gần đây, có thể khẳng định rằng cuộc tìm kiếm đang đi đúng hướng.

Chính phủ Malaysia ngày 12/5 xác nhận hai mảnh vỡ được tìm thấy ở Nam Phi và đảo Rodrigues thuộc Mauritius “gần như chắc chắn” từ máy bay MH370. Như vậy, tổng cộng 5 mảnh vỡ của chiếc máy bay trên đã được tìm thấy tại nhiều vị trí khác nhau ở Ấn Độ Dương.  

Chuyến bay MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8/3/2014 đã mất tích cùng 239 người trên máy bay. Đến nay, phần thân chính của máy bay chưa được tìm thấy. Chiếc máy bay được cho đã đổi hướng và kết thúc hành trình tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương. Trung tâm Điều phối tìm kiếm của Australia (JACC) dự đoán các mảnh vỡ MH370 theo dòng nước trôi về phía Tây Bắc của Ấn Độ Dương, bao gồm cả phía Đông châu Phi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.