Hồ sơ tài liệu

Hai nhà báo Myanmar ngồi tù nhận giải Pulitzer danh giá

20/06/2019, 09:58

Hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã điều tra về cuộc đàn áp của quân đội Myanmar ở bang Rakhine để thông tin rộng rãi trên toàn thế giới.

img
Nhà báo Wa Lone (trái) và Kyaw Soe Oo được thả tự do ngày 7/5/2019 sau hơn 500 ngày bị giam giữ. Ảnh: Reuters

Họ là ai?

Các nhà báo của Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã được trả tự do vào tháng trước, chỉ 8 tháng sau khi bị kết án 7 năm tù với tội danh vi phạm Đạo luật Bí mật chính thức của Myanmar.

Đây là tin vui không chỉ với hãng tin Reuters, mà còn với làng báo quốc tế, những người đang góp công sức không nhỏ đấu tranh vì bình đẳng và nhân quyền trên toàn thế giới.

Còn nhớ, vụ bắt giữ hai nhà báo Reuters tại Myanmar vào tháng 12/2017 đã gây chấn động báo chí thế giới khi hai người đang thực hiện một cuộc điều tra mở rộng liên quan tới vụ thảm sát tàn bạo đối với người Hồi giáo Rohingya tại một ngôi làng nhỏ ở bang Rakhine.

Tới tháng 9/2018, hai phóng viên của hãng tin nổi tiếng Anh Reuters đã chính thức bị kết án tù dù Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và nhiều lãnh đạo các nước phương Tây đã từng can thiệp và kêu gọi Myanmar thả tự do cho họ.

Nhà báo Wa Lone, 33 tuổi, sinh ra trong một gia đình làm nông ở Kim Pyit, một ngôi làng nhỏ có chưa đầy 500 nhân khẩu ở vùng Sagaing, miền Trung của Myanmar.

Sau khi tới thành phố Yangon năm 2010, anh đăng ký vào một trường truyền thông và bắt đầu học tiếng Anh, đồng thời theo đuổi đam mê thiết kế và nhiếp ảnh.

Wa Lone bắt đầu sự nghiệp báo chí tại Tạp chí Thời đại Nhân dân (People’s Age Journal).

Wa Lone đầu quân cho Thời báo Myanmar năm 2014, nơi anh được giao phụ trách mảng tin Chính trị tổng hợp trong khoảng 3 năm. Sau đó, nhà báo này bắt đầu làm việc cho hãng tin Reuters từ tháng 7/2016.

Bên cạnh nghề báo, Wa Lone còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Anh là người đồng sáng lập dự án Third Story, một tổ chức từ thiện chuyên sản xuất và phân phát sách nhằm thúc đẩy hòa bình, sự bao dung giữa các nhóm sắc tộc khác nhau của Myanmar.

Wa Lone cũng đã viết một số sách, bao gồm cuốn “Jay Jay the Journalist”, được viết khi đang bị giam giữ tại nhà tù Insein của Yangon.

Trong khi đó, nhà báo Kyaw Soe Oo, 29 tuổi tới từ thành phố Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine. Ban đầu, là một Phật tử, Kyaw Soe Oo đã chủ động tránh bị cuốn vào tình trạng căng thẳng kéo dài giữa những tín đồ theo đạo Rakhine và những người Hồi giáo Rohingya ngay tại quê hương mình.

Tuy nhiên, về sau, chính những mâu thuẫn mang tính sắc tộc đó đã thúc đẩy Kyaw Soe Oo bắt đầu làm báo và cùng thành lập nên hãng tin RIA (Root Investigative Agency), tập trung chủ yếu vào việc đưa tin tức trong nội bộ vùng Rakhine.

Sau khi các vụ bạo loạn diễn ra tại vùng Rakhine vào năm 2017, Kyaw Soe Oo bắt đầu làm việc cho Reuters, nơi anh và Wa Lone tiến hành điều tra vụ thảm sát 10 người Rohingya ở làng Inn Din.

Những đề tài theo đuổi

img
10 người Hồi giáo Rohingya trước khi lĩnh án tử bởi những Phật tử Rakhine và lực lượng quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters

Khi đang là phóng viên của Thời báo Myanmar, Wa Lone đã đưa tin về cuộc bầu cử năm 2015, nơi đảng của bà Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bình giành chiến thắng vang dội.

Anh cũng là một trong những phóng viên đầu tiên đến khu vực biên giới bị chiến tranh tàn phá ở bang Shan sau cuộc xung đột giữa quân đội và một nhóm dân quân vũ trang.

Khi cộng tác cho hãng tin Reuters, Wa Lone tập trung khai thác các đề tài xoay quanh vùng đất quân sự gây tranh cãi ở vùng nông thôn Ye Bu, vụ giết hại luật sư đảng cầm quyền nổi tiếng Ko Ni và vụ giết hại người dân tộc thiểu số ở khu vực Đông Bắc Myanmar.

Wa Lone đã giành được nhiều giải thưởng từ Hiệp hội Các nhà xuất bản ở châu Á bao gồm: Giải Vinh danh cho bài “Cuộc đàn áp của cảnh sát Myanmar đối với các sinh viên bất đồng chính kiến” (Myanmar Times, xuất bản năm 2016) và bài “Cuộc đàn áp ở Rakhine” (Reuters xuất bản năm 2017) và Giải thưởng Xuất sắc cho bài điều tra “Khủng bố người Rohingya” (Reuters xuất bản năm 2018).

Nhà báo Wa Lone cũng cộng tác với tờ The Guardian của Anh cho ra đời cuốn sách truyện thiếu nhi với thông điệp về môi trường, lấy cảm hứng từ những gì diễn ra trên quê hương Sagaing của anh.

Trong khi đó, các tác phẩm báo chí của Kyaw Soe Oo tập trung chủ yếu vào các vấn đề tại bang Rakhine. Anh là một trong những cây bút đi đầu trong việc phản ánh hoạt động đàn áp quân sự buộc hơn 700.000 người Hồi giáo Rohingya phải bỏ trốn khỏi nơi sinh sống, sau một loạt các cuộc xung đột sắc tộc năm 2016.

Trong thời gian làm việc cho Reuters, Kyaw Soe Oo nổi tiếng với bài điều tra về kế hoạch của Myanmar trong việc thu hoạch và bán các loại cây trồng nông nghiệp của nông dân Rohingya.

Đáng chú ý, bài báo này viết về những tín đồ đạo Phật thực thi các quy tắc phân biệt để trừng phạt những người kinh doanh với người Hồi giáo tại địa phương.

Tiếng kêu từ hố chôn tập thể

Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), số lượng các nhà báo bị giết hại trong năm 2018 đã tăng gấp 2 lần so với năm trước đó.
Cụ thể, năm 2018, có 53 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng trong khi tác nghiệp và 34 trường hợp trong số đó bị giết hại có chủ đích. Theo đó, số nhà báo bị giết hại trong quá trình tác nghiệp đã lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Đây là một trong những nghề được Liên hợp quốc đánh giá có mức độ nguy hiểm cao nhất.


Vào ngày 2/9/2017, một số người địa phương và quân đội Myanmar đã giết chết 10 người Rohingya ở làng Inn Din, bang Rakhine.

Nhận được tin báo, hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã vào cuộc điều tra vụ thảm sát và cùng nhau khắc họa lại bối cảnh để độc giả dễ hình dung vụ việc đã diễn ra như thế nào. Trong quá trình hoàn thành bài báo này, cả hai đã bị cảnh sát Myanmar bắt giữ.

Bị trói chung, 10 người Hồi giáo Rohingya, trong đó có 2 học sinh trung học ở tuổi vị thành niên, với ánh mắt vô vọng nhìn một nhóm tín đồ tôn giáo khác đang đào một hố chôn tập thể. Đây là 1 trong 3 bức ảnh được một già làng ghi lại trong vụ thảm sát tại Inn Din, mà các phóng viên của Reuters tiếp cận được.

Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã lấy được thông tin từ những người chứng kiến và trực tiếp tham gia vụ sát hại và chôn người tập thể rùng rợn này. Trong đó, Soe Chay, 55 tuổi, một người lính đã nghỉ hưu từ cộng đồng Phật giáo Rakhine ở Inn Din đã kể lại cho các nhà báo của Reuters rằng mỗi nạn nhân bị bắn 2 hoặc 3 phát đạn. Khi bị chôn chung tại hố, một số người vẫn còn thoi thóp.

Vụ thảm sát này đã cho thấy sự dã man và tàn bạo trong các vụ bạo lực sắc tộc tại phía Bắc bang Rakhine, miền Tây Myanmar. Gần 690.000 người Hồi giáo Rohingya đã buộc phải rời bỏ làng mạc và vượt biên giới sang Bangladesh kể từ tháng 8/2017. Tới tháng 10 cùng năm, không ai trong số 6.000 người Rohingya còn có thể trụ lại ở làng Inn Din.

Cuộc điều tra của hai nhà báo Reuters lần đầu có được lời khai của chính thành viên lực lượng bán quân sự, trong đó xác nhận quân đội đóng vai trò lãnh đạo chiến dịch đuổi người Hồi giáo Rohingya khỏi Inn Din.

Các phóng viên của Reuters đã bị giam giữ trước khi bài báo của họ được xuất bản vào tháng 2/2018. Tuy nhiên, loạt bài điều tra này được đánh giá cao và 2 nhà báo vinh dự được nhận giải thưởng Pulitzer danh giá ở hạng mục báo cáo quốc tế vào tháng 4 vừa qua dù khi đó họ vẫn đang phải ngồi tù.

Wa Lone và Kyaw Soe Oo cũng đã xuất hiện trước đó trên trang bìa của tạp chí TIME của Mỹ với tư cách là một phần trong danh sách những người cần được bảo vệ vì tự do báo chí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.