Pháp luật

Hải Phòng: "Cánh đồng chết" vì nhà máy xả thải

07/09/2016, 07:16

Không hiểu những đường ống có được cấp phép hay không mà lại vô tư xả thẳng ra cánh đồng An Dương như vậy?

vico4
Bọt xà phòng trắng xóa mương nước nội đồng thôn An Dương, xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng)

6 năm trở lại đây, cánh đồng thôn An Dương, xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng) trở thành “cánh đồng chết” do nước xả thải từ các nhà máy lân cận, hàng ngày xả thẳng ra mương nước nội đồng...

Bọt trắng mương nước nội đồng

Những ngày đầu tháng 9, có mặt tại khu vực thôn An Dương, xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng), PV Báo Giao thông chứng kiến cảnh từng “núi” bọt xà phòng tại cống Đông. Theo quan sát, một đường ống nước thải từ phía sau Nhà máy Bột giặt Vilaco chảy thẳng vào một con mương ra cống nội đồng. Nước chảy đến đâu bọt sùi đến đó, khi ra tới miệng cống Đông tạo thành đám bọt xà phòng cao gần 2m. Nước thải từ đây tiếp tục theo mương chảy thẳng ra sông Lạch Tray khiến nhiều lúc bọt trắng xóa cả khúc sông này.

Ông Đinh Tiến Phách, cán bộ quản lý thủy lợi thôn An Dương cho biết: Trước đây, con mương cấp nước sạch cho hơn 100 mẫu ruộng của cánh đồng thôn An Dương. Từ khoảng năm 2009, hàng loạt các nhà máy đổ về đây khiến con mương này ô nhiễm trầm trọng. “Ruộng của chúng tôi mấy năm trở lại đây chẳng cày cấy được gì, phải bỏ hoang cho cỏ mọc”, ông Phách nói.

Theo chỉ dẫn của người dân, băng qua những bụi cỏ dại mọc quá đầu người, bùn xộc lên mùi… hóa chất, ngay sát chân tường rào Nhà máy Bột giặt Vilaco, PV chứng kiến gần 10 ống nước xả thải từ nhà máy này chảy thẳng ra cánh đồng. Nước thải không màu nhưng thốc lên thứ mùi vô cùng khó chịu. Không hiểu những đường ống này có được cấp phép hay không mà lại vô tư xả thẳng ra cánh đồng An Dương như vậy?

Được biết, từ năm 2008, một loạt các nhà máy lớn như: Vico, Vilaco, Sơn Hải Phòng cùng nhiều DN nhỏ khác được đầu tư xây dựng tại cánh đồng thôn An Dương. Khi kiểm tra, đại diện các Nhà máy Vico, Vilaco đều đưa ra giấy phép của các cơ quan chức năng khẳng định, hệ thống xả thải công nghiệp của họ tuần hoàn, khép kín không xả thải ra môi trường. Hệ thống nước thải bề mặt, nước thải sinh hoạt của họ ra mương nước cũng được cấp phép đảm bảo. Vậy ai là “thủ phạm” gây nên những “núi” bọt xà phòng tại hệ thống mương nước nội đồng thôn An Dương?

6 năm đi kiện trong vô vọng

vico
Miệng cống xả thải phía sau Nhà máy Bột giặt Vilaco xả thẳng ra kênh nội đồng

Khi nghe chúng tôi giới thiệu là nhà báo, bà Nguyễn Thị Nhã, thôn An Dương với ánh nhìn thiếu thiện cảm buông một câu như trách móc: “Các cơ quan chức năng có ai nghe chúng tôi đâu? Chẳng giải quyết được gì”.

Sự thất vọng của bà Nhã xuất phát từ hành trình suốt 6 năm trời đi kiện của người dân thôn  An Dương. Theo đó, những lá đơn kêu cứu có thời gian lâu nhất là năm 2010 và mới nhất là năm 2016.

Năm 2010, sau khi các nhà máy bột giặt, sơn rồi hàng loạt các DN sản xuất nhỏ khác đi vào hoạt động ngay sát cánh đồng thôn An Dương người dân đã phát hiện những biểu hiện “lạ” trên cánh đồng. Lúa rất tốt nhưng… toàn lá, những thửa ruộng cho thu hoạch thì khi gạo nấu thành cơm lại bốc lên mùi xà phòng.

Cho chúng tôi xem cuốn “sổ thu chi”, bà Nguyễn Thị Nhã nói: “Bất bình trước việc các nhà máy xả thẳng nước thải ra cánh đồng, hơn 40 hộ dân thôn An Dương góp mỗi người 50 nghìn đồng để nhờ người làm đơn, photo rồi gửi tới các cơ quan chức năng. Chúng tôi đi nhiều lắm, từ xã, lên huyện rồi Sở TN&MT, UBND TP Hải Phòng gửi đơn kêu cứu. Đi tới đâu người ta cũng nói các bác cứ yên tâm về đi, chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên. Chúng tôi từng mang thóc lên trụ sở xay xát rồi nấu cơm ngay tại đó để chứng minh là gạo có mùi xà phòng, đem gạo tới “biếu” mấy cơ quan chức năng chuyên môn ở Hải Phòng như Sở TN&MT, Sở NN&PTNT nhưng cũng chẳng ai quan tâm”.

Bà Nguyễn Thị Thuận, thôn An Dương, xã An Đồng bức xúc: “Từ năm 2010, xã An Đồng đã họp dân, mời các cơ quan chức năng và đại diện các DN đến. Các cơ quan cũng khẳng định tình trạng ô nhiễm môi trường, yêu cầu DN khắc phục. Tuy nhiên, chẳng DN nào chịu trách nhiệm còn ruộng đồng của chúng tôi bỏ hoang từ đó tới nay.

Trước phản ánh trên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, sẽ chỉ đạo Phòng TNMT huyện kiểm tra, xử lý ngay. Tuy nhiên, theo ông Sơn, với hệ thống xả thải đi qua rất nhiều DN nêu trên, việc phát hiện chính xác “thủ phạm” xả thải cần sự vào cuộc của đơn vị cao hơn là Sở TN&MT hoặc Cảnh sát môi trường. Dù cố gắng liên hệ nhưng phóng viên chưa có được câu trả lời thỏa đáng từ những cơ quan nêu trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.