Xã hội

Hải Phòng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ dự án xây nhà ga T2 sân bay Cát Bi

04/07/2019, 12:21

Đó là một trong 6 kiến nghị được Chủ tịch TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng gửi tới Chính phủ trong phiên họp trực tuyến sáng 4/7.

img
Sân bay Cát Bi, Hải Phòng

Ngoài ra, ông Tùng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép TP.Hải Phòng và các địa phương được phê duyệt dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng, dự án đầu tư công trên 1.500 tỉ đồng; Giao cho thành phố được chuyển đổi trên 10 ha lúa chuyển sang làm đất công nghiệp không cần xin y kiến Thủ tướng. Đồng thời, đề nghị, các bộ, ngành không khống chế diện tích đất lúa với các thành phố lớn, để thành phố chủ động trong quy hoạch.

Ngoài ra, Chủ tịch TP.Hải Phòng cũng xin cho thành phố được quyền tự quyết đầu tư sân golf.

Đối với vướng mắc tại các dự án BT, ông Tùng cho biết, thành phố và các tỉnh đang vướng mắc về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT. Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 160 để gỡ vướng cho nhà đầu tư BT thực hiện dự án trước thời điểm 1/1/2018. Tuy nhiên một số dự án của thành phố đang triển khai được ký hợp đồng sau 1/1/2018 và không có cơ sở thanh toán đất cho nhà đầu tư.

"Hiện TP.Hải Phòng đang phải chịu một phần lãi vay các dự án, nếu thời gian kéo dài thành phố chịu thiệt hại tương đối lớn", ông Tùng cho biết và đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết mới gỡ vướng cho các dự án BT ký sau 1/1/2018.

Một nút thắt trong kêu gọi đầu tư của TP.Hải Phòng cũng được ông Tùng kiến nghị là sớm cho phép mở rộng khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ lên 600 ha nằm trong khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải.

Ghi nhận kiến nghị của TP.Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hải Phòng là thành phố phát triển nhanh, đồng bộ, kiến nghị của Hải Phòng rất kịp thời, những vấn đề này thiết thực cho cả Hà Nội, TP.HCM. Do đó trách nhiệm tháo gỡ khó khăn cho Hải Phòng thuộc một số bộ, ngành thuộc Chính phủ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố sử dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), vừa được khai trương nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, “phi giấy tờ”.

Đây là phiên họp thứ 2 của Chính phủ sử dụng e-Cabinet sau phiên họp đầu tiên ngay tại lễ khai trương hệ thống vào ngày 24/6. Các văn bản, tài liệu được cập nhật vào hệ thống để các thành viên Chính phủ nghiên cứu trước cũng như trong phiên họp.

Trước đó, trong văn bản gửi các địa phương về việc chuẩn bị cho phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương không trình bày lại tình hình địa phương, chỉ phát biểu về các vấn đề lớn, đang có khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, gồm vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở, những vấn đề về phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.