Hạ tầng

Nhờ thu phí hạ tầng, mỗi năm Hải Phòng có thêm nghìn tỷ làm đường, xây cầu

23/11/2020, 10:00

Mỗi năm thành phố Hải Phòng có thêm hàng nghìn tỷ đồng từ thu phí hạ tầng cảng biển để tái đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

img
Cầu vượt Lê Hồng Phong được Hải Phòng đầu tư bằng nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển

TP Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thu phí hạ tầng cảng biển. Nhờ vậy, những năm qua, mỗi năm thành phố có thêm hàng nghìn tỷ đồng để tái đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Tiên phong thu phí hạ tầng cảng biển

Cảng Hải Phòng là cảng biển tổng hợp cấp quốc gia lớn nhất miền Bắc và lớn thứ 2 ở Việt Nam gồm 47 bến cảng với gần 100 cầu cảng lớn, nhỏ... kéo dài gần 30km dọc theo sông Cấm và trên địa bàn 3 quận trung tâm của thành phố là Hồng Bàng, Ngô Quyền và Hải An.

Do sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng tăng nhanh, trong khi đó, hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ phát triển chậm không theo kịp đà phát triển của cảng biển dẫn đến ùn tắc.

Trước đây, tại các tuyến đường trục chính như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh, đường 356, Nút giao thông ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Thánh Tông vào những giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, có thời điểm ùn tắc từ 6 - 10 tiếng, xe ra, vào cảng xếp hàng kéo dài hàng chục km. Bên cạnh đó, có tới 80% các vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường có xe container lưu thông.

Trước thực trạng đó, ngày 13/12/2016, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 148 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cảng biển ở Hải Phòng.

“Đây là nhiệm vụ mới, với nhiều khó khăn, phức tạp, liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp ở các tỉnh thành”, một lãnh đạo Sở Tài chính Hải Phòng nhớ lại.

Vì là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo quy định tại Luật phí và lệ phí nên những tháng đầu triển khai, một số doanh nghiệp chưa hiểu rõ mục đích thu phí nên đã có những phản ứng.

Sau một thời gian dài vận động, thuyết phục, các doanh nghiệp đã đồng tình ủng hộ. Kết quả là năm 2018, Hải Phòng thu được 1.562 tỷ đồng từ phí hạ tầng cảng biển. Đến năm 2019, con số này là 1.299 tỷ đồng và năm 2020 dự kiến sẽ là 1.100 tỷ đồng.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan đến việc thu phí; công tác tuyên truyền tới các doanh nghiệp để họ hiểu, đồng tình với chủ trương của thành phố; việc xử lý, trả lời, giải quyết kịp thời những nội dung vướng mắc liên quan đã giúp công tác thu phí hạ tầng cảng biển đạt hiệu quả cao như hiện nay”, vị lãnh đạo Sở Tài chính Hải Phòng nói.

Tái đầu tư hạ tầng giao thông

Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông Hải Phòng cho rằng, thời gian qua, với việc thu phí hạ tầng cảng biển để tái đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông trên địa bàn, hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, giảm thiểu tối đa việc ách tắc giao thông.

Theo ông Ngô Hồng Chiến, Phó trưởng phòng Quản lý nguồn thu ngân sách - Sở Tài chính TP Hải Phòng, từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển, Hải Phòng có thêm nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cấp, cải tạo, xây mới, trong đó hạ tầng kết nối 47 bến cảng được đầu tư và tiếp tục đầu tư kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cát Hải (xây dựng mới 23 bến cảng với tổng chiều dài 7.750m).

Theo ông Chiến, nhờ có nguồn thu phí hạ tầng cảng biển mà hàng loạt các công trình đã được triển khai làm thay đổi bộ mặt thành phố Cảng, điển hình như Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ, với tổng số vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt Big C với số tiền trên 300 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt Nguyễn Văn Linh trên 300 tỷ đồng; dự án trải Asphalt mặt đường các tuyến phố Hải Phòng tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng và nhiều dự án khác…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.