Xã hội

Hải Phòng phát huy lợi thế các nghị quyết về cơ chế đặc thù

23/12/2022, 10:54

Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng được Quốc hội thông qua tạo cho Hải Phòng sự bứt phá.

Phát huy lợi thế của cơ chế đặc thù

Cùng với việc thực Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng được Quốc hội thông qua, Hải Phòng đã có nhiều phát triển bứt phá trong tiến trình trở thành một cực tăng trưởng và là động lực phát triển của vùng cũng như cả nước.

img

Hải Phòng là trung tâm kinh tế biển lớn nhất Miền Bắc

Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của TP Hải Phòng trong thời gian tới.

Nắm bắt lợi thế đặc thù để phát triển thành phố với cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí, chính sách về quản lý đất đai, chính sách về quản lý quy hoạch, chính sách về thu nhập cho cán bộ, thời gian qua, Hải Phòng là thành phố phát triển trực thuộc Trung ương, tốc độ phát triển kinh tế cao, nguồn thu lớn, các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đều đứng trong top đầu của cả nước.

Trong năm 2022, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản công nghiệp (IIP) tăng 14,5%; kim ngạch xuất khẩu 29 tỷ USD, tăng 10,56%; khách du lịch 7 triệu lượt, tăng 88,17%; sản lượng hàng qua cảng 168 triệu tấn, tăng 11,85%; tổng vốn đầu tư thực hiện 180 nghìn tỷ đồng, tăng 11,33%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD.

Về tổng thu ngân sách nhà nước của Hải Phòng ước đạt 108.674 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán Trung ương giao và 102,9% dự toán HĐND thành phố giao. Ngân sách thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 66.000 tỷ đồng, đạt 118% dự toán Trung ương giao và 110% dự toán HĐND thành phố giao, thu nội địa phấn đấu hoàn thành 41.000 tỷ đồng theo kế hoạch dự toán HĐND thành phố giao.

Đây là năm đầu tiên thành phố thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP.HCM.

img

Hải Phòng đang thay da đổi thịt từng ngày

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay.

Thành phố lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính năm 2021. Chương trình chuyển đổi số đang được thực hiện khẩn trương và hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực trong năm vừa qua.

Năm 2022, hàng loạt các dự án hạ tầng, giao thông quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt, chuẩn bị khởi công, điển hình như các dự án: Đường Vành đai 2 TP Hải Phòng; nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; cầu Bến Rừng; cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10, Tỉnh lộ 359; đầu tư xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi… Các dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Trong năm vừa qua, thành phố cũng rất chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Thành phố cũng tích cực triển khai Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Hướng tới hoàn thành tốt Nghị quyết 30

Theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng được kì vọng là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng.

Nghị quyết đã thể hiện 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng, xác định đầy đủ, cơ bản mục tiêu, tầm nhìn và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường cụ thể; xác định 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát thực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này có nhiều điểm mới, với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển to lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tư tưởng xuyên suốt là tăng cường liên kết vùng để tạo động lực phát triển cho các địa phương và toàn vùng; khai thác hiệu quả vị trí đặc biệt của vùng để tiếp cận và hình thành các thị trường lớn, tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.img

Hải Phòng sẽ phát triển lớn mạnh mang tầm vóc quốc tế

Với quy mô kinh tế chỉ đứng thứ 2 toàn vùng sau Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng giữ vững tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong thời gian dài và liên tục dẫn đầu toàn vùng. Hải Phòng xứng đáng là đầu tầu phát triển kinh tế trong khu vực mà còn hướng tới là trung tâm kinh tế số của cả nước trong những năm tới.

Với thực tế hiện tại khi có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển TP Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.