Xã hội

Hải Phòng tạo liên kết vùng mạnh mẽ từ hạ tầng giao thông, đô thị

23/12/2022, 11:54

Với vị trí trung tâm khu vực duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước.

Hải Phòng thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ: Năm 2022, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển toàn diện, những kết quả nổi bật.

img

Phối cảnh trung tâm hành chính mới của Hải Phòng nằm trong khu đô thị mới Bắc sông Cấm của Hải Phòng

Kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản công nghiệp (IIP) tăng 14,5%; kim ngạch xuất khẩu 29 tỷ USD, tăng 10,56%; khách du lịch 7 triệu lượt, tăng 88,17%; sản lượng hàng qua cảng 168 triệu tấn, tăng 11,85%; tổng vốn đầu tư thực hiện 180 nghìn tỷ đồng, tăng 11,33%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 108.674 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán Trung ương giao và 102,9% dự toán HĐND thành phố giao, trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 66.000 tỷ đồng, đạt 118% dự toán Trung ương giao và 110% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa phấn đấu hoàn thành 41.000 tỷ đồng theo kế hoạch dự toán HĐND thành phố giao. Đây là năm đầu tiên thành phố thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP.HCM.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay. Thành phố lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính năm 2021.

Hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt, chuẩn bị khởi công, điển hình như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 TP Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - Đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh; dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi… Các dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

img

Cầu Hoàng Văn Thụ nối các quận nội thành với khu đô thị mới Bắc Sông Cấm.

Bước đầu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; Chương trình chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, ngành, địa phương. Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; triển khai Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Thế và lực mới cho Hải Phòng và cả vùng Đồng bằng sông Hồng

Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam với khu vực và thế giới; có Thủ đô Hà Nội, trọng điểm kinh tế của Bắc Bộ - một trong bốn vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng sẽ tiếp tục tạo ra những đột phá mới trong phát triển, các bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng; khắc phục những tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

img

Đô thị Hải Phòng ngày nay.

Cùng với Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết mới lần này của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ là căn cứ pháp lý, chính trị quan trọng, là cơ sở để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn phát triển TP Hải Phòng trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho hay: Trong những năm qua, Hải Phòng là địa phương khởi xướng nhiều nội dung hợp tác, ký kết phát triển kinh tế - xã hội vùng quan trọng như: Hợp tác vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Thủ đô Hà Nội; hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.

Đề xuất, triển khai phối hợp các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối, nhất là các dự án giao thông liên vùng, như: cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão, TP Hải Phòng và huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), cầu Sông Hóa (nối huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đang tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế phân cấp, cơ chế đầu tư. Hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, đặc biệt là tuyến đường sắt trên địa bàn thành phố trong thời gian dài không thay đổi, hạ tầng đường sắt cũ kỹ, phương tiện lạc hậu.

Với quy mô kinh tế chỉ đứng thứ 2 toàn vùng sau Thủ đô Hà Nội, việc Hải Phòng giữ vững tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong một thời gian dài, liên tục dẫn đầu toàn vùng là sự nỗ lực, phấn đấu kiên trì, quyết liệt của quân và dân thành phố, với sứ mệnh Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước.

Trên cơ sở lợi thế vượt trội đã và đang có, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục tiêu: Phát triển TP Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.

TP Hải Phòng đã và đang quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò cửa ngõ ra biển lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại của cả nước; phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước theo đúng quan điểm đã được xác định tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để đạt được mục tiêu trên, Trung ương cần có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.

Theo đó, cần sớm đầu tư tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra Cảng Đình Vũ) để việc vận tải hành khách, hàng hóa được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển và giảm tải cho hệ thống đường bộ vốn đã rất quá tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.