10 năm xây hơn 60 cây cầu
Với đặc trưng địa lý có nhiều sông ngòi bao quanh, để mở rộng không gian phát triển, TP Hải Phòng đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng những cây cầu kết nối các địa phương trong thành phố cũng như các tỉnh, thành lân cận.
Cầu Hoàng Văn Thụ kết nối 2 bờ sông Cấm.
Theo đại diện Sở GTVT Hải Phòng, tới năm 2024 thành phố có gần 100 cây cầu đã và đang được xây dựng. Trong đó có hơn 70 cây cầu được đưa vào khai thác, tạo ra sự kết nối giữa ngoại thành với nội thành, giữa Hải Phòng với các tỉnh, mở ra triển vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Từ sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương lân cận và sự quyết tâm cao của thành phố, lĩnh vực xây dựng cầu trên địa bàn Hải Phòng có những đột phá trong giai đoạn 2015 tới nay.
Giai đoạn này, Hải Phòng xây dựng hơn 60 cây cầu, trong đó có nhiều cầu lớn như: Cầu Hoàng Văn Thụ, cầu vượt nút giao Nam cầu Bính, cầu vượt sông Văn Úc, cầu vượt sông Thái Bình…
Theo đại diện UBND TP Hải Phòng, trong giai đoạn 2022 - 2025, TP đề xuất HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư xây dựng 29 cây cầu, ước tính tổng số tiền đầu tư hạ tầng giao thông cho giai đoạn này gần 38.000 tỷ đồng.
Thành phố hai bên sông
Huyện Thủy Nguyên vốn là địa phương bị ngăn cách với khu vực nội thành Hải Phòng bởi con sông Cấm. Chỉ cách đây khoảng 10 năm, người lạc quan nhất cũng khó có thể tin rằng địa phương này sẽ trở thành khu vực kinh tế sôi động nhất của Hải Phòng bởi sự cách trở.
Khi đó, bên này bờ Nam sông Cấm với đô thị phát triển từ hàng trăm năm trước thì bờ Bắc vẫn là vùng nông thôn lạc hậu. Người Thủy Nguyên muốn sang nội thành phải đi phà, đò hoặc vòng xa, di chuyển hơn 10km qua cầu Kiền, cầu Bính.
Tuy vậy, tới nay chỉ sau 6 năm phát triển, Thủy Nguyên đã hội đủ các yếu tố để vươn mình. Đầu tiên phải kể đến là việc Hải Phòng quyết định di chuyển và xây mới toàn bộ trung tâm chính trị và hành chính sang "phố mới" Thủy Nguyên. Diện mạo mới của TP Thủy Nguyên đang hình thành.
Trước đó, vào ngày 6/5/2023, Hải Phòng khởi công các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm, diện tích 1.445,51ha, bao gồm một phần diện tích của các xã Hoa Động, Tân, Dương, Dương Quan (Thủy Nguyên). Tổng số tiền thực hiện dự án gần 10.000 tỷ đồng.
Để phục vụ dự án này, Hải Phòng phải di chuyển 15 cơ quan, đơn vị và 1.350 hộ gia đình, thu hồi 105ha đất nông nghiệp của 1.448 hộ dân. Dự án bao gồm các hạng mục cầu Hoàng Văn Thụ với chiều dài 1.138m; các phân khu chức năng bao gồm khu hành chính - chính trị thành phố, khu đa chức năng, khu thương mại…
Rút kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác trên cả nước, Hải Phòng ưu tiên bố trí vốn làm trước hạ tầng giao thông, xây cầu, làm đường to và đẹp. Tiếp đến, các khu đô thị vệ tinh được khuyến khích đầu tư, kéo dân về ở với tốc độ rất nhanh.
Sự phát triển vượt bậc của vùng đất Thủy Nguyên nhờ sự đóng góp lớn của những cây cầu kết nối đôi bờ sông Cấm. Với việc xây dựng khu đô thị mới Bắc sông Cấm, Hải Phòng đang trở thành thành phố hai bên sông.
Chắp cánh "đảo tỷ phú"
Trước đó, tháng 10/2019, cầu Hoàng Văn Thụ khánh thành, được ví như "cánh chim biển" nối liền nội thành với Khu đô thị Bắc sông Cấm. Đây là công trình trọng điểm, khởi đầu cho việc mở rộng thành phố về phía Bắc, có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn.
Thi công cầu Hoàng Gia (Hải Phòng).
Từ khi cầu Hoàng Văn Thụ khánh thành, cầu Bính và cầu Kiền được giảm tải rất nhiều.
Cùng với cầu Hoàng Văn Thụ (2.300 tỷ đồng) cầu Nguyễn Trãi (gần 6.000 tỷ đồng) được coi là biểu tượng mới của TP Thủy Nguyên. Cầu Nguyễn Trãi sẽ mang sứ mệnh kết nối nội thành hiện hữu với Khu đô thị Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp Vsip, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ; rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa tới cảng hàng không quốc tế Cát Bi và cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 10, quốc lộ 18…
Đặc biệt, gần đây, cùng với việc Vingroup rót gần 90.000 tỷ đồng xây dựng "đảo tỷ phú" ở Thủy Nguyên, kèm theo đó là dãy phố đi bộ lớn nhất cả nước, trình diễn pháo hoa tầm cao hàng tuần, đã thực sự khiến Thủy Nguyên trở nên sôi động.
Để đảo Vũ Yên trở thành "đảo tỷ phú", có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của cầu Hoàng Gia kết nối giao thông nội đô với đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island, tổng chiều dài toàn tuyến gần 2,2km.
Điểm đầu cầu nằm trên đảo Vũ Yên, giao với trục chính dự án Vinhomes Royal Island, kết nối thẳng đến phố đi bộ công viên Vũ Yên. Điểm cuối giao với đường Lê Thánh Tông tại vị trí cầu Cầu Tre, thuộc địa phận phường Máy Chai, quận Ngô Quyền.
Theo đại diện UBND huyện Thủy Nguyên, từ một vùng đất tách biệt với khu vực nội thành Hải Phòng và các địa phương còn lại, những năm gần đây huyện đã phát triển vượt bậc, dẫn đầu đóng góp ngân sách địa phương.
"Để phát triển như vậy, có sự đóng góp rất lớn của những cây cầu. Ngoài các cầu bắc qua sông Cấm là cầu bến Rừng, Lại Xuân… kết nối Thủy Nguyên với các địa phương của Quảng Ninh, Hải Dương, phá thế cô lập của huyện", vị đại diện cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận