Góc nhìn

Hải quân Nga - Việt diễn tập chung trên Biển Đông

06/06/2018, 14:47

Cuộc diễn tập dự kiến diễn ra hôm nay (6/6) một lần nữa khẳng định quan hệ hợp tác hải quân Nga - Việt.

0606 -( -_c Tributs t_i c_ng Cam Ranh

Chiến hạm Tributs của Hải quân Nga.

Diễn tập chung trên Biển Đông

Ngày 3/6, nhóm 3 tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã cập cảng Cam Ranh. Đánh giá cao chuyến thăm lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov nhấn mạnh trên báo chí nước này rằng, sự tương tác giữa Moscow và Hà Nội trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh là một bằng chứng cho độ tin cậy cao nhất giữa hai nước.

Theo lịch trình, các tàu chiến gồm hai tàu chống ngầm lớn Đô đốc Tributs, Đô Đốc Vinogradov và tàu chở dầu hạng trung Pechenga của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ tiến hành diễn tập chung với đội tàu tuần phòng Quân khu 4 của Hải quân Việt Nam.

Chỉ huy đội tàu, thuyền trưởng hạng nhất Oleg Korolev cho hay, buổi diễn tập được tổ chức theo Bộ luật Đối tác Tây Thái Bình Dương, nhằm tạo cơ hội cho thủy thủ các nước hiểu biết về nhau rõ hơn trên biển, có quy định chuẩn mực hành vi trong tình huống tranh chấp và khi diễn ra cuộc gặp ngoài dự kiến ​​trên biển khơi.

Thuyền trưởng Korolev cũng nhấn mạnh rằng, việc ghé thăm cảng Cam Ranh là sự kiện quan trọng đối với hạm đội Nga. Bởi, hai quốc gia có quan hệ hữu nghị gắn bó và tình cảm bạn chiến đấu trong nhiều năm qua. Phía Nga cũng đã đề xuất mời các tàu chiến Việt Nam tới thăm căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương ở Vladivostok.

Ông Korolev cũng đánh giá vịnh Cam Ranh là vịnh nước sâu có ý nghĩa quan trọng chiến lược toàn cầu ở Đông Nam Á, lại có đủ tiêu chuẩn để đảm bảo hậu cần, cung cấp dịch vụ tàu biển không chỉ cho Hạm đội Thái Bình Dương, mà còn cho các tàu thuộc những hạm đội khác của Nga.

Điều đáng chú ý, Cam Ranh không phải là điểm đến mới đối với thủy thủ hải quân Nga bởi năm 1979, Liên Xô cũ từng lập căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất tại chính cảng biển xinh đẹp của tỉnh Khánh Hòa, theo một thỏa thuận với Việt Nam. Căn cứ quân sự của Liên Xô cũ và sau đó của Nga đã được duy trì trong suốt 23 năm, tới tháng 5/2002.

Đơn giản hóa thủ tục nhập cảng cho tàu hải quân Nga

Việc các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương thường xuyên cập cảng Cam Ranh trong 4 năm gần đây được thực hiện theo sau Thỏa thuận liên Chính phủ giữa hai nước về đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến Nga vào vịnh Cam Ranh.

Cụ thể, tàu Hải quân Nga khi vào Cam Ranh chỉ cần thông báo cho giới chức Việt Nam. Sau đó, các tàu tự động được phép nhập cảng. Tàu có thể nhập cảng để tiếp nhiên liệu, cung cấp nước và thực phẩm, nạp điện, sửa chữa. Thỏa thuận này cho thấy, các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ thường xuyên vào cảng này.

Thỏa thuận này sẽ mở rộng khả năng của hạm đội Nga trong bối cảnh lực lượng hải quân nước này đang tăng cường hiện diện trên đại dương thế giới.

Báo Sputnik của Nga dẫn lời ông Dmitry Mosyakov từ Viện Nghiên cứu phương Đông nhận định: “Điều này có nghĩa sẽ có những chuyến hành trình dài mới để giải quyết các vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ địa lý trước đó của Hải quân Nga”.

Cảng Cam Ranh cũng là nơi tiếp nhận các tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua từ Nga. Trong khi đó, đội tàu ngầm hiện đang là một đối số quan trọng giữa bối cảnh tình hình trên biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

Nhận định về hợp tác chặt chẽ giữa hải quân hai nước, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Saint Petersburg, GS. Vladimir Kolotov cho rằng: “Quan hệ quân sự Nga - Việt không nhằm chống lại các nước thứ ba. Điều rõ ràng để chứng minh là chương trình chuyến thăm tới Cam Ranh của đoàn tàu Nga mang ý nghĩa nhân đạo.

Hoạt động đầu tiên của các thủy thủ Nga tại Việt Nam là đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm những người lính và thường dân của hai nước đã hy sinh vì hòa bình và ổn định trong khu vực. “Việt Nam đang thực thi chính sách chủ quyền trong việc thiết lập quan hệ quân sự dựa trên nguyên tắc không tham gia bất cứ liên minh quân sự, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không được cho quốc gia khác sử dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành xâm lược.

Điều này hoàn toàn trùng hợp với các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nga, được xây dựng dựa trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế”, GS. Vladimir Kolotov nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.