Hồ sơ tài liệu

Hải quân Ukraine thê thảm chưa từng có!

16/05/2015, 19:33

Lực lượng Hải quân Ukraine vốn đã yếu kém lại càng thê thảm hơn khi Crimea được sáp nhập trở lại Nga.

vnm_2015_271696
(Ảnh minh hoạ)

Một nhóm tàu hải quân cũ kỹ, hoen gỉ của Ukraine neo đậu một cách lười biếng và buồn thảm trên Biển Đen, ngoài khơi cảng ở thành phố phía nam Odessa, gần một con tàu tên lửa già cỗi.

"Cách duy nhất để khiến những đống sắt vụn đó di chuyển là cần có một số mái chèo và chúng ta tự phải chèo thuyền”, một sĩ quan hải quân Ukraine mỉa mai cho biết.

Gần với những con tàu được ví như đống sắt vụn đó là một tàu chỉ huy mang tên Getman Sagaidachniy. Chiếc tàu khu trục này được đặt tên theo một vị lãnh đạo quân sự thời thế kỷ 17th. Con tàu này hiện là nơi sinh sống của các lính thủy. 

Trên đây là toàn bộ bức tranh đáng buồn và thê thảm của Hải quân Ukraine.

Lực lượng Hải quân Ukraine vốn đã ở trong tình trạng suy yếu và nghèo nàn như vậy từ nhiều năm nay do tình trạng tham nhũng cũng như không được quan tâm đầu tư. Mọi thứ càng trở nên thảm hơn sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập trở lại Nga vào hồi tháng 3 năm ngoái.

Vụ sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến Ukraine mất đi niềm tự hào của hạm đội hải quân nước này bởi hàng loạt tàu thuyền cùng lính thủy đã cùng với bán đảo Crimea trở thành lực lượng của Nga. “Đó là một thảm kịch cho hải quân của chúng tôi", sĩ quan Vitaliy Martynyuk – người từng theo học ở thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea ở thời điểm xảy ra vụ sáp nhập, đã buồn rầu cho biết như vậy.

Hải quân Ukraine mất 2/3 sức mạnh

Theo chuyên gia quân sự Sergiy Zgurets, vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga đã khiến Ukraine mất đi 2/3 lực lượng hải quân. Gần như tất cả những con tàu quan trọng nhất và mạnh nhất của Ukraine đóng tại bán đảo Crimea và lực lượng này đã gia nhập vào quân đội Nga thay vì trở về Ukraine. Đây là vấn đề lớn đối với Kiev.

Hải quân Ukraine từng có trong tay khoảng 40 tàu thuyền, 20 trong số đóng tại các căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea, tại Sevastopol và Vịnh Donuzlav. Những chiếc tàu Ukraine gia nhập vào lực lượng Nga gồm 2 tàu khu trục, một tàu chỉ huy, nhiều tàu tên lửa, tàu quét ngư lôi và chiếc tàu ngầm duy nhất của Ukraine - tàu Zaporizhia lớp Foxtrot.

"Chúng tôi cần một nỗ lực rất lớn cũng như một khoản ngân sách khổng lồ để thiết lập một hạm đội mới từ con số 0. Chẳng có gì còn lại” sau vụ sáp nhập, ông Zgurets cho hay.

Tàu chỉ huy Getman Sagaidachniy hiện đang neo đậu ở Odessa là chiếc tàu duy nhất mà Kiev nói là được cứu khỏi sự “chiếm đóng” của Nga nhờ may mắn. Chiếc tàu khu trục này đang trên đường trở về nhà sau một chuyến đi huấn luyện ở vùng Vịnh Aden vào thời điểm xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Gần tàu Getman Sagaidachniy là tàu tên lửa Pryluky. Đây là một trong vài con tàu quyết định quay trở về Ukraine sau vụ sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, con tàu này ở trong tình trạng đáng buồn đến mức các lính thủy trêu nhau rằng việc Nga trả nó về Ukraine còn ít tốn kém hơn là phá hủy nó.

Nga và Ukraine có một thỏa thuận về việc trao trả lại những con tàu của hải quân Ukraine cho Kiev. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị đình lại do cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng lên giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai.

“Nhiều kẻ phản bội trong chúng tôi”

Tình trạng vũ khí, trang thiết bị thê thảm là thế nhưng về mặt nhân sự của lực lượng hải quân, bức tranh cũng ảm đạm không kém.

Hiện tại, Hải quân Ukraine có quân số chỉ khoảng 6.000 lính thủy, giảm mạnh từ con số 14.000 vào năm 2013.

Trong số 8.000 lính thủy làm việc ở bán đảo Crimea chỉ có 2.000 người chọn Ukraine. Hầu hết những lính thủy còn lại lựa chọn gia nhập vào hàng ngũ của Nga. Thực tế về việc có quá nhiều lính thủy Ukraine chọn Nga đã để lại nỗi đau và sự tức giận rất lớn cho những người còn lại quyết định trở về với Hải quân Ukraine.

"Có nhiều kẻ phản bội trong số chúng tôi”, trung úy Petro Bondar, 26 tuổi, không giấu nổi bức xúc cho hay.

Với việc lực lượng bị tan đàn xẻ nghé và rệu rã đến mức như vậy, giới chức quân sự hàng đầu của Ukraine đang cố tìm một thứ ánh sáng ở cuối đường hầm. Đô đốc Igor Kabanenko – cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết, phần lớn những chiếc tàu chiến mà Kiev mất đi là có từ thời Liên Xô và chúng cũng sớm trở nên lỗi thời. "Điều chúng ta cần là một chiến lược mới cho Hải quân Ukraine, một tầm nhìn mới cho tương lai”, ông Kabenenko cho hay.

Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.

Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì việc này.

Suốt thời gian qua, chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Châu Âu để giành lại bán đảo Crimea xinh đẹp từ tay Nga.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.