Thị trường

Hải quan về tận cơ sở “truy” doanh nghiệp nợ thuế

30/11/2017, 16:12

Lực lượng hải quan đã tìm xuống tận cơ sở sản xuất để "truy" chủ doanh nghiệp nợ thuế.

hai quan-truy-doanh-nghiep-no-thue

Ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết, ngành hải quan đã phải cử cán bộ “truy” doanh nghiệp nợ thuế

Ông Lưu Mạnh Tưởng – Cục trưởng cục Thuế xuất nhập khẩu tại buổi họp báo chuyên ngành ngày 30/11 cho biết, tổng nợ thuế tới 31/10/2017 là 5.406 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016. Trong số này, nợ khó thu là 3.770 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm ngoái.

Ông Tưởng cho biết, số nợ thuế của ngành hải quan chủ yếu phát sinh trước thời điểm 1/7/2013, khi chính sách cho phép doanh nghiệp nợ thuế mà không cần điều kiện gì. Sau thời điểm này, doanh nghiệp muốn lấy hàng nhập khẩu thì phải nộp đủ các khoán thuế. Đối với các khoản nợ phát sinh trước 1/7/2013 hiện rất khó thu vì nợ qua thời gian dài, nhiều doanh nghiệp nợ thuế nay đã giải thể hay mất tích.

Ông Tưởng dẫn ví dụ, có một doanh nghiệp ở Gia Lai nhập gỗ Bạch Đàn về để làm hàng xuất khẩu (hưởng thuế suất ưu đãi) nhưng lại không sản xuất mà bán thẳng số gỗ đó ra thị trường. Số thuế nợ là 1,3 tỷ đồng tuy nhiên sau đó doanh nghiệp bỏ địa chỉ.

“Chúng tôi cử cán bộ xuống Gia Lai, Kon Tum và xuống tận cơ sở sản xuất tìm nhưng chủ doanh nghiệp đã mất tích”, ông Tưởng kể. Sau này cán bộ Hải quan phát hiện ra chủ doanh nghiệp này xuống Bình Dương lập chứng minh thư mới, lập doanh nghiệp mới nên Hải quan đã gửi hồ sơ sang cơ quan chức năng để khởi tố tội danh trốn thuế. Tuy nhiên, cơ quan Công an xác định rằng, trường hợp này không đủ cấu thành tội trốn thuế.

Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, sau 1/7/2013, nếu doanh nghiệp bỏ địa chỉ, cơ quan Hải quan sẽ xác minh tại địa chỉ, phối hợp với cơ quan địa phương, chính quyền để truy tìm. “Nếu có căn cứ thì yêu cầu thực hiện trách nhiệm nhưng phải nói thật là có nhiều doanh nghiệp nợ thuế, bỏ địa chỉ và rất khó tìm”.

Hay có trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc nợ thuế, chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước khiến cơ quan thuế phải gửi thông báo cho Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam yêu cầu doanh nghiệ phải thực hiện trách nhiệm nộp thuế. “Có thể trong quá trinh kinh doanh doanh nghiệp này khó khăn, phá sản và chủ doanh nghiệp bỏ về nước. Nếu phát hiện sự việc trước khi chủ doanh nghiệp về nước thì chúng tôi đề nghị ngừng xuất cảnh nhưng đa số trường hợp đều không phát hiện kịp, ngân hàng cũng không thu được tiền vốn vay”, ông Tưởng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Tưởng cho biết, với doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan Hải quan đều áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình và khiếu kiện nhưng trong quá trình giải quyết khiếu nại doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước kế từ đầu năm là 261.158 tỷ đồng, đạt 91,6% dự toán. Ước thu tháng 11 đạt 25.000 tỷ đồng. Ước thu 11 tháng năm 2017 đạt 263.000 tỷ đồng, bằng 92,28% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, tháng 12 là tháng cuối năm, số thu ngân sách nhà nước thường tăng đột biến do doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa chuẩn bị cho các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 rơi vào tháng 2 nên dự kiến số thu tháng 12/2017 sẽ không tăng mạnh như các năm trước, dự kiến đạt 26.000 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ thu vượt dự toán (285.000 tỷ đồng) do Quốc hội và Chính phủ giao, phấn đấu đến mức cao nhất để đạt được chỉ tiêu phấn đấu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao là 295.000 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.