Thị trường

Hai quy định thuế, ngân hàng "ngáng chân" tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành

12/01/2021, 16:08

VCCI chỉ ra hai quy định liên quan tới lĩnh vực thuế và ngân hàng đã hạn chế hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành ở Việt Nam.

img

VCCI chỉ ra hai quy định liên quan tới lĩnh vực thuế và ngân hàng đã hạn chế hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố ngày 12/1, hiện một số quy định pháp luật chưa khuyến khích việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành.

VCCI cho biết, Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu”.

Và mô hình hoạt động thường thấy của một tập đoàn kinh tế tư nhân là có một công ty mẹ đóng vai trò đầu tư và cấp vốn cho các công ty con (có thể gọi là công ty tối cao, công ty holding), các công ty con sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh trong một lĩnh vực hoặc sẽ phụ trách một dự án cụ thể. Tuỳ vào nhu cầu quản trị và phân bổ rủi ro, tập đoàn có thể sẽ có thêm một số công ty trung gian giữa công ty tối cao và công ty trực tiếp sản xuất kinh doanh.

Trong mô hình này, công ty mẹ dựa vào uy tín và quy mô của mình, thường đảm nhận vai trò huy động vốn từ nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính sau đó tái cấp vốn cho các công ty con non trẻ thường rất khó được vay vốn.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, một số quy định pháp luật được ban hành hoặc soạn thảo trong năm 2020 không thực sự thân thiện với mô hình kinh doanh này.

Ông Tuấn ví dụ, quy định về hạn chế chi phí lãi vay tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được sửa đổi trong năm 2020. Theo VCCI, Nghị định này được ban hành nhằm chống lại tình trạng chuyển giá thuế thu nhập doanh nghiệp ra nước ngoài.

Trong đó, Khoản 3 Điều 8 của Nghị định hạn chế mức chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết của một doanh nghiệp không được vượt quá 20% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ. Quy định này áp dụng với cả các doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả trường hợp không có chênh lệch thuế suất giữa hai công ty trong giao dịch.

Như vậy, ông Tuấn cho rằng, trường hợp công ty mẹ vay tiền từ ngân hàng rồi cho công ty con vay lại như trên sẽ bị điều chỉnh bởi khoản 3 Điều 8 này và các bên sẽ không còn được linh hoạt quyết định về lãi suất của giao dịch. Rõ ràng, quy định này đã không thực sự đúng với chủ trương khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động đa ngành.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cũng dự thảo Thông tư quy định về việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó yêu cầu: “Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác”.

Quy định này sẽ không cho phép các ngân hàng mua trái phiếu do các công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phát hành nhằm huy động vốn rồi dùng số tiền đó để góp vốn vào công ty con.

Tại bản thuyết minh, cơ quan soạn thảo cho rằng việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác sẽ khiến cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án.

“Lo ngại này là chính đáng, tuy nhiên hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua các biện pháp trong hợp đồng hoặc điều khoản trái phiếu. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác phải cam kết trong điều khoản trái phiếu về quyền của người nắm giữ trái phiếu được phép kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án tại công ty con. Làm như vậy sẽ vẫn giúp bảo đảm quyền giám sát của ngân hàng nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tập đoàn kinh tế đa ngành”, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay.

VCCI kỳ vọng những bất cập trong các quy định pháp luật sớm được sửa đổi để Việt Nam có thêm nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, nhiều doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt trong nên kinh tế.

Còn đối với Nghị định 20/2017/NĐ-CP đề cập ở trên, ông Tuấn cho biết, sau khi sửa đổi, hạn mức khống chế chi phí lãi vay đã được nâng lên 30% và cho phép trừ đi lợi nhuận của khoản vay.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mục tiêu chiến lược 10 năm tới của Việt Nam chuyển mạnh sang thuận lợi hóa hoạt động đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam, để phát triển mạnh các doanh nghiệp Việt Nam, trong có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh và “lứa” doanh nghiệp cỡ trung phát triển một cách ổn định vững chắc.

Do đó, các doanh nghiệp phải được tạo thuận lợi trong làm ăn kinh doanh, trong đó có các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp cận nguồn lực…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.