Vận tải

Hai tàu PPC lớn nhất thế giới nằm bờ sau 3 năm chạy thử

12/06/2018, 06:10

Hai chiếc tàu PPC thuộc loại lớn nhất thế giới được đóng, đưa vào sử dụng tại biển Nha Trang, Khánh Hòa...

4

Tàu 56 chỗ hiện chỉ được neo buộc tại bến và không thể hoạt động

Cả 2 chiếc tàu này đều có số giờ hoạt động thực tế ít, gặp sự cố nên phải ngừng sử dụng trong thời gian dài.

Tàu nằm bờ, hư hỏng nặng

Trung tuần tháng 6/2018, PV Báo Giao thông trực tiếp cùng Tổ công tác của Bộ GTVT giám sát và thử nghiệm phương tiện thủy nội địa đóng bằng vật liệu PPC (Polypropylen copolyme), với sự tham gia của đơn vị chế tạo và sử dụng phương tiện. Hai tàu này có sức chở 32 và 56 chỗ, theo Cục Đăng kiểm VN, đây là phương tiện thủy đóng bằng PPC có sức chở lớn nhất thế giới hiện nay. Hai phương tiện được đóng xong, đưa vào sử dụng thử nghiệm tại vịnh Nha Trang từ năm 2015.

Ghi nhận thực tế cho thấy, sau gần 3 năm thử nghiệm, đơn vị sử dụng đã dừng hoạt động với cả 2 phương tiện. Cả 2 bị nhiều hư hỏng dẫn đến không thể vận hành. Chiếc tàu 32 chỗ đã được chủ phương tiện đưa lên nhà xưởng để cất giữ. Nhìn bên ngoài có thể thấy con trạch (để giảm tác động khi tàu va chạm) làm bằng PPC bên mạn trái bị biến dạng, vỡ, hỏng; mối hàn con trạch với thân tàu không dính ngấu, tấm trần khoang khách bị võng theo hình sóng, lan can phía đuôi tàu hỏng hoàn toàn.

Ngoài 2 tàu khách đã được thử nghiệm nói trên, ngày 26/5/2017, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận, cho phép Công ty CP Công nghệ James Boat thiết kế, chế tạo, sử dụng thử nghiệm 2 mẫu phương tiện thủy khác có sức chở 35 và 60 người bằng vật liệu PPC để làm cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng vật liệu trong đóng phương tiện thủy tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến nay, đơn vị trên vẫn chưa đề xuất cụ thể về thiết kế phương tiện, kế hoạch đóng, sử dụng thử nghiệm. Ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ James Boat cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục chế tạo thử nghiệm tàu PPC có sức chở lớn hơn 12 người.

Bên trong tàu, toàn bộ ghế hành khách tàu bị tháo bỏ; các thiết bị vô tuyến điện, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu không hoạt động được; bơm tự hút bị hư hỏng; kết cấu chống cháy trong buồng máy bị hư hỏng. Bên dưới khoang hành khách có khá nhiều nước bị rò lọt vào, chủ phương tiện phải cắt mặt sàn và dùng bơm để hút ra ngoài.

Theo ông Phan Thanh Hải, Phụ trách kỹ thuật đội tàu của đơn vị sử dụng, do tàu thường xuyên hư hỏng nên phương tiện chỉ được dùng để hỗ trợ vận chuyển hành lý khi cần thiết. Tính đến tháng 5/2018, phương tiện mới sử dụng được khoảng 1.956 giờ và được kéo lên đà từ cuối tháng 1/2018.

Đối với tàu 56 chỗ, hiện đang được neo buộc tại bến cảng và kết quả kiểm tra cho thấy 2 máy chính không khởi động được; buồng máy có nước ngập đến các-te máy chính, dây dẫn điện ngâm trong nước. Hệ thống chiếu sáng, các thiết bị vô tuyến, đèn tín hiệu không hoạt động được. Tương tự, chiếc tàu 32 chỗ, phần thân vỏ cũng có các hư hỏng như: Có vết rách dài khoảng 20cm tấm vách lái từ mép trên xuống dưới, nứt đường hàn nối tấm mạn với tấm bo hông góc trái, chiều dài vết nứt; bong đường hàn nối tấm nhựa mặt trên be chắn sóng ngang đuôi, chiều dài 250 mm; cả hai mạn tàu có các vết xước 1-5mm; một số đoạn con trạch giảm va bị bong mối hàn, bung ra; kết cấu chống cháy trong buồng máy bị hư hỏng một phần.

Tháng 10/2015, tàu bị nước tràn vào làm ngập khoang máy, gây hư hỏng 2 máy chính. Nguyên nhân do thiết bị làm kín nước của khớp nối các đăng bị rách hoàn toàn, ổ bi đỡ trục nối giữa đầu máy chính và khớp nối các đăng bị vỡ vòng bi trong và bi đỡ. Từ đó đến nay, tàu rất ít hoạt động, chủ yếu hoạt động để duy trì, bảo dưỡng. Tính đến gần cuối tháng 5/2018, số giờ máy trái đã hoạt động khoảng 804 giờ, máy phải đã hoạt động khoảng 798 giờ.

Đơn vị sử dụng tàu cho biết, đơn vị nhận thấy 2 phương tiện trên không phù hợp với đặc thù hoạt động của mình nên không có kế hoạch sửa chữa để sử dụng tiếp.

Ủng hộ tiếp tục thử nghiệm

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, tháng 4/2015, Bộ GTVT cho phép chế tạo thử nghiệm 2 chiếc tàu trên bằng vật liệu PPC và thời gian sử dụng thử nghiệm không quá 3 năm. Việc kiểm tra, đánh giá nhằm đưa ra các đề xuất liên quan đến việc chế tạo tàu bằng vật liệu PPC chở người trên 12 chỗ. Mặt khác, tháng 2/2018, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đề nghị Bộ GTVT sớm đánh giá kết quả thử nghiệm để làm căn cứ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chế tạo phương tiện thủy có sức chở lớn hơn hiện nay.

Trước câu hỏi tổ công tác đề xuất thế nào về việc đóng tàu trên 12 chỗ bằng vật liệu PPC, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Vũ Hải cho biết, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 tàu khách sức chở hơn 12 người nói trên đã được hoạt động thử nghiệm. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, cả 2 phương tiện đều có thời gian hoạt động không nhiều, đã xảy ra một số hư hỏng, sự cố. Thời điểm hiện tại, từ kết quả thực tế sử dụng thử nghiệm của 2 phương tiện nhận thấy chưa đủ cơ sở để Tổ công tác kết luận đánh giá kết quả sử dụng thử nghiệm đối với phương tiện thủy bằng vật liệu PPC có sức chở trên 12 người.

“Cục Đăng kiểm VN luôn ủng hộ, khuyến khích các đơn vị chế tạo phương tiện thủy bằng vật liệu mới. Kết quả thử nghiệm 2 phương tiện trên chưa đủ cơ sở thực tiễn để đưa ra kết luận. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu đóng phương tiện sức chở trên 12 người bằng vật liệu PPC để sử dụng thử nghiệm cần báo cáo và được Bộ GTVT chấp thuận”, ông Hải nói.

Theo Cục Đăng kiểm VN, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện thủy có sức chở đến 12 người đóng bằng vật liệu PPC được Bộ GTVT ban hành có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 7/2017. Đến nay, đã có 19 phương tiện loại trên và 2 bến nổi làm bằng vật liệu PPC được cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.