Điện ảnh

Hài Tết 2018: Cười từ trong nước cười ra nước ngoài

06/12/2017, 07:28

Do DVD hài Tết liên tục bị đĩa lậu “tấn công”, các nhà làm phim phải xoay đủ chiêu trò để hút khán giả.

23

“Đại gia chân đất” - một trong những loạt phim hài quen thuộc mỗi dịp Tết đến, xuân về

Nhộn nhịp những khuôn mặt cũ

Như thường lệ, khoảng trước Tết Dương lịch một tháng là thời điểm các dự án phim hài Tết lộ mình. Đạo diễn Phạm Đông Hồng, ông trùm hài dân gian năm nay giới thiệu hai dự án là: Chôn nhời 5 (bấm máy từ ngày 17/11) và Họ Lý tên Thông (dự kiến hoàn thiện cuối tháng 12/2017), đều lấy bối cảnh làng xưa tích cũ để kể chuyện ngày nay. Một gương mặt sản xuất hài Tết quen thuộc khác là đạo diễn Trần Bình Trọng cũng hồ hởi cho biết, anh đã thực hiện gần xong hai phim ra mắt trong Tết 2018 là: Đại gia chân đất (đang hoàn thiện hậu kỳ) và Làng ế vợ (dài 4 tập, đã đóng máy cuối tháng 11).

Ngoài hai đại gia trên, một số dự án khác cũng rục rịch chuyển động cho kịp thời vụ. Ngày 22/11, Công ty CP Quốc tế CMB Việt Nam làm lễ đóng máy, giới thiệu phần 5 phim hài Ván cờ vồ, thương hiệu giải trí hài - hành động chiến lược của hãng. Trước đó một ngày, đạo diễn Dương Ngọc Bảo cùng ê-kíp cũng rầm rộ ra mắt phim hài Tỷ phú đè đại gia. Trong khi hai sản phẩm trên đã bắt đầu làm hậu kì, thì phim Ngoan lại không có quà của đạo diễn Phạm Nguyên Bắc mới bắt đầu tuyển diễn viên cuối tháng 11.

Như vậy, làng hài phía Bắc tới nay đã có khoảng 7 sản phẩm sẽ ra mắt phục vụ khán giả trong dịp Tết. Tỷ phú đè đại gia và Ngoan lại không có quà là hai phim hài mới, còn lại là tiếp nối các thương hiệu lâu năm. Tuy nhiên, một số tiếng cười quen thuộc có khả năng vắng mặt. Danh hài Vượng Râu tiết lộ không làm đĩa hài lẻ năm nay. Danh hài Xuân Hinh cũng cho biết mới chỉ lên kế hoạch cho show diễn Xuân Phát Tài tháng 1/2018, còn lại chưa chắc chắn sẽ ra đĩa lẻ.

Nỗ lực đổi mới nội dung

Đến hẹn lại lên, song hài Tết 2018 hứa hẹn sẽ không phải “bình mới rượu cũ”. Đạo diễn Trần Bình Trọng tuyên bố phim của anh sẽ sâu hơn, chững chạc hơn. Đơn cử như Làng ế vợ sẽ lấy bối cảnh chưa từng có: Thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Nhân vật sẽ trải qua nhiều chuyện bi thương, éo le chứ không chỉ có hài. Bối cảnh được chuyển vào miền Nam với các diễn viên miền Nam như: Hoàng Sơn, Cát Phương, Nina Trang thay vì những Chiến Thắng, Quang Tèo như năm ngoái.

Tương tự, các đơn vị khác cũng mạnh dạn triển khai những đề tài thời thượng, có chiều sâu. Đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng hứa hẹn Chôn nhời 5 sẽ mang tính thời sự hơn với nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng. Phim Ván cờ vồ tận dụng bối cảnh xã hội đen, mời nghệ sĩ Trung Anh, Danh Thái, Thanh Hương tham dự để tận dụng hiệu ứng phim truyền hình Người phán xử. Tỷ phú đè đại gia khai thác nhiều góc khuất trụy lạc của giới thượng lưu. Bối cảnh phim thậm chí còn vượt biên sang tận Dubai (Ấn Độ) để tạo không khí mới cho khán giả.

Những sự đổi mới trên phục vụ cho thị hiệu đang ngày càng khó tính của khán giả Việt. Đạo diễn Trần Bình Trọng cho rằng: “Gu thẩm mỹ của khán giả vài ba năm trở lại đây đang khắt khe hơn. Có những sản phẩm được đầu tư kỹ mà chỉ cần có hình ảnh, câu thoại động chạm một chút thôi sẽ bị quy thành hài nhảm”. Đó cũng là lý do anh đổi bối cảnh Làng ế vợ. “Hài Tết mọi năm quay mãi ngoài phía Bắc rồi, bắt buộc phải khai thác các vùng đất khác để có cái mới lạ”, đạo diễn Trần Bình Trọng nói.

Bỏ qua thị trường truyền thống, bởi đĩa lậu tràn lan

Xu thế phát hành năm nay của các đơn vị vẫn là bỏ qua băng đĩa truyền thống, nhờ cậy vào truyền hình và mạng xã hội. Hai đạo diễn Phạm Đông Hồng, Trần Bình Trọng đều cho biết, phim hài năm nay vẫn sẽ được các đài địa phương mua bản quyền và phát sóng. Ngoài ra, hai đơn vị này đều có kênh Youtube riêng để đăng tải sản phẩm của mình phục vụ cộng đồng mạng. Những phim khác như: Tỷ phú đè đại gia, Ván cờ vồ cũng xác định mạng xã hội là kênh phát hành chiến lược. Danh hài Vượng Râu thậm chí còn bỏ hẳn thị trường đĩa để tập trung làm tiểu phẩm trên Youtube.

Đạo diễn Trần Bình Trọng đưa ra số liệu: “Ước tính thời điểm này người xem hài trên DVD chỉ chiếm khoảng 30% lượng khán giả”. Tất cả do đĩa lậu tràn lan, không chỉ “giết” đĩa thật mà còn “giết” chính thói quen xem hài trên định dạng DVD. Còn đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay: “Cơ quan chức năng hàng năm vẫn quản lý, kiểm tra. Nhưng mấy năm gần đây không ai quan tâm tới đĩa lậu nữa rồi”.  Vấn đề nổi cộm giờ không phải là đĩa lậu. Có những phim vừa làm xong đã bị tung luôn lên mạng, đăng tải ở Youtube với tốc độ nhái còn nhanh hơn gấp nhiều lần làm lậu đĩa.

Từ nhái DVD chuyển sang nhái bản kỹ thuật số, các nhà sản xuất vẫn đau đầu trong việc kinh doanh. Đạo diễn Phạm Đông Hồng bày tỏ rằng: “Làm phim hài dân gian rất tốn kém, vì còn phải phục dựng bối cảnh và trang phục. Đầu tư trung bình mỗi phim khoảng 1 tỷ đồng, nhưng kiếm lời lại rất khó khăn trong điều kiện đĩa lậu, nhái bây giờ”. Khó là vậy, nhưng ông và các đồng nghiệp vẫn phải làm, bởi hài Tết đã là thương hiệu lâu năm không bỏ được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.