Tài chính

Hai tuyến cao tốc sẽ giúp Hậu Giang đón "làn sóng" đầu tư

15/07/2022, 19:48

Hậu Giang tập trung hoàn thành đúng tiến độ các dự án giao thông, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, chiều 15/7, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Công thương tỉnh tổ chức hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp".

img

Quang cảnh hội thảo

Thu hút đầu tư

Phát biểu khai mạc, ông Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, Hậu Giang với lợi thế vị trí tiếp giáp TP Cần Thơ và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam Sông Hậu và các vùng kinh tế khác của cả nước.

Bên cạnh các tuyến quốc lộ kết nối liên vùng đi qua địa bàn, Hậu Giang còn là điểm giao nhau của 3 tuyến cao tốc đường bộ sắp hình thành. Đó là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Sau khi hoàn thành, các cao tốc này sẽ tạo sự kết nối thông suốt giữa địa phương với Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ và cảng biển nước sâu Trần Đề, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, cùng với các tỉnh trong vùng. Từ đó mở ra rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp và logistics.

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, cũng trong chiều cùng ngày, tỉnh Hậu Giang còn tổ chức Hội thảo Tiềm năng và Cơ hội đầu tư phát triển vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, đô thị và công nghệ thông tin.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh đã có khoảng 235 doanh nghiệp công nghiệp và gần 5.000 cơ sở sản xuất công nghiệp.

Địa phương cũng đã thành lập được 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 1.000ha. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút 114 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động và đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Theo phương án phát triển cụm công nghiệp và Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp của tỉnh, trong giai đoạn 2021-2030, Hậu Giang quy hoạch xây dựng thêm 8 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích khoảng 2.310ha.

Đến năm 2050, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 15 cụm công nghiệp, 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 6.290ha.

“Bên cạnh các chính sách ưu đãi tốt nhất, tỉnh Hậu Giang sẵn sàng chào đón và đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, với quan điểm “Doanh nghiệp đến Hậu Giang vui” và khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh, 3 tốt”. Đó là “Nhanh GPMB và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.

Hội thảo lần này là cơ hội để tỉnh được lắng nghe ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư về những điều kiện thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang, những chính sách ưu đãi đầu tư cũng như quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Lý chia sẻ.

img

Trong giai đoạn 2021-2030, Hậu Giang quy hoạch xây dựng thêm 8 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích khoảng 2.310ha.

Cao tốc mở đường

Tham luận tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia nhận định, Hậu Giang hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế như có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối giao thông thủy bộ; nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư nói chung và vào lĩnh vực công nghiệp nói riêng.

Đó là lợi thế về mặt bằng, thuế, thủ tục hành chính, cũng như công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư; thế mạnh về ngành chế biến thực phẩm, thực phẩm đóng gói, đồ uống, sản xuất giấy, bao bì… nhất là chế biến sâu về nông nghiệp.

Đặc biệt, Hậu Giang lại là một trong những địa phương được hưởng lợi trực tiếp khi 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành và đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế nhất định như lực lượng lao động còn hạn chế và chất lượng lao động chưa cao; hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.

Nhất là hệ thống giao thông nội tỉnh lại là một nút thắt cho phát triển kinh tế của tỉnh vì chỉ được đầu tư theo tiêu chuẩn cấp V, nên chưa đáp ứng được yêu cầu lưu thông các loại xe tải cỡ lớn, xe container, xe khách 45 chỗ.

Trên cơ sở các phân tích về tiềm năng thế mạnh các chuyên gia cho rằng, Hậu Giang nên ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát huy được thế mạnh của tỉnh như công nghiệp, nông nghiệp.

“Địa phương cần cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng. Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các dự án, công trình giao thông kết nối giao thông giữa Hậu Giang với các tỉnh trong khu vực với ĐBSCL, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL và giữa ĐBSCL với TP. HCM.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực theo các lĩnh vực có lợi thế tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp và phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh”, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.