Đô thị

Hầm, cầu tiền tỷ không dùng, người đi bộ giỡn mặt “tử thần”

15/06/2021, 08:00

Thực tế, nhiều người vẫn chọn cách băng qua đường thay vì đi cầu vượt hoặc hầm chui, tự gây nguy cơ tai nạn cho chính mình và những người khác.

img

Nhiều người vẫn chọn cách đi bộ băng qua đường gây nguy cơ xảy ra TNGT

Thói quen “đi ngang, về tắt”

Hiện, trên địa bàn TP Hà Nội có 31 hầm đi bộ tại các vị trí giao cắt trọng điểm trên các tuyến đường như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Kim Liên…

Cùng đó là hơn 50 cầu vượt được bố trí tại những nút giao, góp phần đảm bảo ATGT cho người đi bộ. Song tại các khu vực này, ghi nhận của PV Báo Giao thông, rất nhiều người đi bộ vẫn giữ thói quen “đi ngang, về tắt”.

Cụ thể, hầm đi bộ H15, 16 trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) được Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông sửa chữa lại, sạch sẽ và an toàn hơn, có người trực ở hai bên cửa hầm.

Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút quan sát ở hai hầm này, PV ghi nhận số người sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, liên tục xuất hiện những nhóm người chọn cách băng sang đường nguy hiểm trước mũi của hàng trăm phương tiện đang lao tới.

Khu vực đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm) cũng được bố trí 5 - 6 hầm bộ hành từ năm 2002 với mục đích giảm tải áp lực giao thông, đảm bảo ATGT cho người đi bộ. Tuy vậy, các hầm này vẫn trong cảnh vắng người sử dụng.

Quan sát của PV trên đường Tố Hữu (Hà Đông), dù chỉ dài 3,4km nhưng được bố trí đến 5 cầu bộ hành để kết nối với nhà chờ xe buýt, tạo thuận tiện cho hành khách đi bộ kết nối sang nhà chờ BRT.

Nhưng thực tế, tại các nhà chờ La Khê, Mỗ Lao, Vạn Phúc vẫn xuất hiện nhan nhản người đi bộ cắt ngang dòng phương tiện để sang đường. Người điều khiển ô tô, xe máy phải khó nhọc nhường đường.

“Các cầu, hầm cho người đi bộ được xây dựng khá nhiều, nhưng một số người vẫn có thói quen sang đường tùy tiện. Đa phần các công trình đều khá khang trang nên mình mong các cơ quan chức năng tới đây có giải pháp quản lý và tuyên truyền tốt hơn để người đi bộ từ bỏ thói quen sang đường tùy tiện, đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác”, chị Giang (Hà Đông - Hà Nội) bày tỏ.

Sử dụng các biện pháp cưỡng chế

img

Các công trình cho người đi bộ thường xuyên được duy tu, sửa chữa nhưng vắng người dùng

Trao đổi với Báo Giao thông, Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) chia sẻ, tuyến đường Phạm Hùng được bố trí nhiều hầm bộ hành nhưng thường xuyên xảy ra các vụ TNGT do va chạm với người đi bộ.

Theo Đại úy Chinh, lưu lượng phương tiện qua lại đường Phạm Hùng rất lớn, nhiều xe tải chạy với tốc độ cao, khi gặp người đi bộ băng qua đường rất khó xử lý dễ gây TNGT. Do vậy, người đi bộ cần tuyệt đối tuân thủ quy định về ATGT, nếu có cầu, hầm thì nên sử dụng để đảm bảo an toàn.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nhiều người vẫn có tâm lý thích đi trên mặt đất, trong không gian rộng, thoáng, đủ ánh sáng. Muốn người đi bộ lưu thông lên cầu hoặc hầm để sang đường, Hà Nội cần thường xuyên duy tu các vị trí hầm xuống cấp, không đủ ánh sáng.

Cùng đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm người đi bộ sai quy định. “Chúng ta không thể cứ xây dựng, dùng ngân sách của thành phố để duy tu song người đi bộ vẫn ít sử dụng, như vậy là lãng phí”, ông Ánh nói.

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thời gian qua, Sở GTVT đã triển khai nhiều giải pháp để các công trình cầu, hầm phục vụ cho người đi bộ đảm bảo an toàn, thông thoáng và sạch sẽ hơn.

“Hàng ngày, tại các công trình này đều có người túc trực theo các ca để vừa quản lý công trình, vừa dọn dẹp vệ sinh. Khi trong hầm có vị trí xuống cấp hay thấm nước, các đơn vị duy tu được Sở giao đều khắc phục ngay”, ông Tuấn nói và đề nghị, thời gian tới các lực lượng chức năng của thành phố cần đẩy mạnh việc xử phạt người đi bộ sai quy định.

Theo ông Tuấn, Hà Nội đang tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cầu vượt, hầm bộ hành bảo đảm phù hợp, thuận tiện cho người tham gia giao thông.

Cùng đó, thành phố cũng nghiên cứu, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành như: Lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất ATGT.

Ông Tạ Đức Giang, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho rằng, băng qua đường chưa chắc đã nhanh hơn khi người đi bộ phải len lỏi qua các dòng phương tiện, thậm chí còn tạo ra nguy cơ gây TNGT cho chính mình. “Việc sử dụng các công trình cầu, hầm cho người đi bộ là cần thiết và đảm bảo an toàn cho chính người đi bộ trên đường. Tôi cũng như những người tuyên truyền về ATGT của TP Hà Nội rất mong muốn người dân lưu tâm và sử dụng”, ông Giang nói.

Hành vi “Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn” được nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 100. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm rất thấp (tối thiểu là 60.000 đồng và tối đa là 200.000 đồng) cũng là nguyên nhân khiến cho người đi bộ “nhờn luật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.