Hạ tầng

Hầm Phú Gia, Phước Tượng sắp có thêm nhà đầu tư mới

06/05/2014, 14:36

Sáng 6/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (Ban PPP) để kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án BOT, BT và PPP.

Sáng 6/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (Ban PPP) để kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án BOT, BT và PPP. Tại buổi họp, Bộ trưởng yêu cầu kiên quyết thay thế các nhà đầu tư yếu kém, chậm triển khai các dự án.

img

Năng lực nhà đầu tư quá yếu

Liên quan đến dự án hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng - một trong những công trình đang triển khai rất chậm trên tuyến QL1, ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban PPP cho biết, năng lực tài chính của nhà đầu tư Công ty Hưng Phát quá yếu và chưa ký được hợp đồng tín dụng. Trước đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Vinaconex đã đồng ý tham gia vào dự án, tuy nhiên việc góp vốn của SCIC phải tuân thủ nhiều quy định rất chặt chẽ nhưng Công ty Hưng Phát không đáp ứng được. Chính vì vậy, cả hai đơn vị này đều đã có văn bản xin rút không tham gia dự án nữa.

Cũng theo ông Huy, hiện nay Tổng công ty XDCTGT 4 (Cienco 4) và Công ty Trường Lộc đã đăng ký tham gia dự án. Hai đơn vị này đang làm việc với Công ty Hưng Phát để tiến hành các thủ tục cần thiết trước khi tham gia đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, dự án hầm Phú Gia, Phước Tượng triển khai quá chậm. Nguyên nhân không gì khác do năng lực nhà đầu tư quá yếu. Bộ trưởng đồng ý để Cienco 4 và Trường Lộc tham gia vào dự án này. Ngay trong tháng 6/2014 các thủ tục chuyển nhượng phải được hoàn tất. “Hưng Phát góp được bao nhiêu vốn và đã thi công được khối lượng thực tế như thế nào sẽ được tính tỷ lệ bấy nhiêu. Cienco 4 sẽ làm leader tại dự án này”- Bộ trưởng nói.

Bên cạnh hầm Phú Gia, Phước Tượng, hiện có một số dự án khác cũng đang rất chậm tiến độ như: mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp. Hiện công trình này cũng chưa ký được hợp đồng tín dụng 100 tỷ đồng cho GPMB. Nhà đầu tư chưa cung cấp được bảo đảm thực hiện hợp đồng; Dự án mở rộng QL14 đoạn Km 1738+148 – Km 1763+610 tỉnh Đắk Lắk do nhà đầu tư Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức triển khai. Tiến độ công trình này rất chậm và hiện đang thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng cho SCIC.

Gạt bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"

Hiện Bộ GTVT đang quản lý 53 dự án đầu tư theo các hình thức BOT, BT và PPP với tổng mức đầu tư lên đến hơn 132 nghìn tỷ đồng. Trong số đó có 17 dự án đã hoàn thành, 36 dự án đang trong giai đoạn thực hiện. Bên cạnh đó còn có 16 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư và nhiều công trình khác đang nghiên cứu và kêu gọi đầu tư.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, xã hội hóa đầu tư là con đường tất yếu, mở hướng đột phá và tháo “nút thắt” hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do vậy, Ban PPP cần chủ động đề xuất và hoàn thiện thể chế, nhất là tham gia tích cực để xây dựng riêng Nghị định của Chính phủ về đầu tư lĩnh vực này để tạo cơ chế chính sách thông thoáng nhất thu hút các nhà đầu tư. “Cơ chế, chính sách phải thật chặt chẽ, ngăn chặn và gạt bỏ ngay từ đầu nhà đầu tư tay không bắt giặc, năng lực yếu ra khỏi các dự án giao thông” – Bộ trưởng yêu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Ban PPP cần xây dựng chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực ngoài đường bộ như: hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy. Việc phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch đặt trạm thu phí phải tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tránh trùng lắp…

Đức Thắng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.