Thời sự

Hạn chế đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp

11/11/2014, 13:27

Đề nghị quy định cụ thể thẩm quyền quyết định đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp phải do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu - ảnh TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu - ảnh: TTXVN

Xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu

Liên quan đến phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại DN theo các hình thức đầu tư, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án luật của Ủy ban TVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ: Đa số ý kiến đồng tình với Điều 10 của dự thảo Luật đã cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn Nhà nước vào DN theo từng hình thức đầu tư cụ thể trên cơ sở Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả DN Nhà nước.

"Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 10, đặc biệt quy định tại các điểm c, d và đ là quá rộng và chung chung. Cần xác định những ngành, lĩnh vực Nhà nước không tham gia hoặc tham gia ở mức độ nhất định; những lĩnh vực Nhà nước cần giữ vốn và đẩy nhanh những lĩnh vực cần thoái vốn Nhà nước tại DN. Đề nghị quy định cụ thể thẩm quyền quyết định đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại DN phải do Chính phủ trình Ủy ban TVQH quyết định", ông Nguyễn Văn Giàu cho hay.

Trên tinh thần này, Ủy ban TVQH tiếp thu, chỉnh lý quy định như tại Điều 10 và Điều 13 của dự thảo Luật theo hướng hạn chế việc đầu tư vốn Nhà nước để thành lập DN và phạm vi đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với DN đang hoạt động phải bảo đảm phù hợp với phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập DN.

Trong khi đó, về mô hình đại diện chủ sở hữu Nhà nước, một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại DN, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước.

Ủy ban TVQH nhận thấy ý kiến của ĐBQH là xác đáng, việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DN có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các DN có vốn đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban TVQH đề nghị Luật không quy định cụ thể đại diện chủ sở hữu là các Bộ, UBND... mà vẫn giao quyền cho Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình để từ đó có những đề xuất phù hợp, sát thực tiễn và góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại DN.

Gắn kết thẩm quyền và trách nhiệm

Tại phần thảo luận ở hội trường, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cân nhắc có thể bỏ nguyên tắc: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý DN. Bởi theo ông Vẻ, với DN Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước trong nhiều trường hợp, các cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay vào hoạt động quản lý điều hành của người quản lý DN.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) - ảnh quochoi.vn
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) - ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, nên quy định đậm nét nguyên tắc: cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại DN phải chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước.

"Đây chính là cơ sở để gắn kết nhất quán giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức cá nhân ở Chương 2 về đầu tư vốn Nhà nước vào DN với Chương 5 về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Đây chính là điều kiện bảo đảm kinh doanh sản xuất có hiệu quả, bảo tồn, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào DN, phòng chống thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước và DN", ĐB tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến.

Đề cập về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập DN (Điều 10), ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, phạm vi trong dự thảo luật còn rộng và chưa cụ thể, khó xác định được giới hạn danh mục ngành cần đầu tư vốn, tạo động lực cho các ngành, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định xã hội, kinh tế Nhà nước.

"Cần quy định rõ hơn các ngành, nghề, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư 100% vốn; những ngành Nhà nước tham gia góp vốn nhưng tỷ lệ vốn góp phải đạt tỷ lệ chi phối hoạt động của DN; các lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa của Nhà nước tại DN", ông Vinh đề nghị.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.