Chính trị

Hạn chế đóng dấu mật vào các báo cáo tại Quốc hội

19/09/2017, 06:37

Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp chiều 18/9 của UB Thường vụ QH...

5

Ngoài việc cần hạn chế đóng dấu mật vào các báo cáo, bà Lê Thị Nga còn đề nghị nêu tên các ĐBQH vắng mặt không có lý do chính đáng - Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Nghiên cứu báo cáo việc xử lý quá tải sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp dự kiến khai mạc vào 23/10 và bế mạc ngày 22/11 với tổng thời gian 23 ngày làm việc. Kỳ họp thứ 4 dự kiến rút 2 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình, đó là Luật Hành chính công và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để tiếp tục hoàn thiện. Như vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 10 dự án luật thay vì 12 dự án luật. Đồng thời, bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Hai nội dung khác cũng được bổ sung để gửi các ĐBQH tự nghiên cứu gồm: Kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay; các sự cố liên quan đến tàu vỏ thép, giải pháp khắc phục. Riêng về Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng, sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp. Vì vậy, nội dung này chưa được bố trí trong dự kiến chương trình.

Riêng đối với các báo cáo gửi ĐBQH tự nghiên cứu, Văn phòng Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội xem xét, lựa chọn, đề xuất một số vấn đề cần thiết để bố trí thảo luận tại kỳ họp, góp phần nâng cao hiệu quả xem xét các nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Tường thuật trực tiếp thảo luận về giải quyết tố cáo

Về việc bố trí thời gian thảo luận ở hội trường về giải quyết khiếu nại tố cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình và nhấn mạnh, vấn đề người dân quan tâm thì nên dành thời gian thảo luận để người dân thấy trách nhiệm của Quốc hội và cơ quan Nhà nước giải quyết thế nào. Đồng thời, với đơn thư không đúng sự thật, những việc tập trung đông người không đúng luật, nếu được nghe thảo luận, người dân cũng hiểu và ủng hộ cơ quan Nhà nước, cơ quan tiếp dân. “Chúng ta nói nhiều về đơn thư chuyển lòng vòng, dân khiếu kiện đông người tiếp tục diễn ra phức tạp nhưng Quốc hội chưa dành thời gian thảo luận, dù chúng ta cũng dành thời gian làm rất nhiều về vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhất trí với việc tường thuật trực tiếp phiên thảo luận về báo cáo giải quyết khiếu nại tố cáo để nhân dân giám sát và qua đó hiểu thêm về sự phức tạp của vấn đề này. Cùng với đó, ông Hiển cho rằng, thảo luận 2 ngày về KT-XH là thỏa đáng. “Nhưng thực tế cho thấy, số lượng đại biểu đăng ký nhiều nên có thể xem xét tăng thêm 1,5 tiếng, làm sao để đại biểu có nội dung thảo luận được phát biểu trên hội trường là tốt nhất”, ông Hiển đề nghị.

Góp ý thêm vào cách thảo luận trên hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng khi thảo luận về dự án luật, không nên nói thêm về sự cần thiết ban hành hay sửa đổi luật nữa, mà tập trung góp ý thẳng vào nội dung. “Có đại biểu 7 phút phát biểu thì mất 6 phút nói sự cần thiết, nói tình hình. Ra Quốc hội mà nói sự cần thiết thì mất nhiều thời gian lắm”, ông Định nêu thực tế.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, hạn chế việc đóng dấu mật các báo cáo, vì việc này sẽ hạn chế tiếp cận của cử tri và cũng khiến Ủy ban gặp khó khi phải đóng dấu mật.

Có nên nêu tên những ĐBQH vắng mặt?

Trình bày báo cáo chuẩn bị kỳ họp trước Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực tế tại một số phiên họp của kỳ họp vẫn còn tình trạng vắng nhiều ĐBQH, ảnh hưởng nhất định chất lượng của phiên họp và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng thừa nhận có tình trạng này và cho rằng, ngoài các lãnh đạo cấp cao vắng có lý do, cán bộ địa phương bận điều hành thì cũng có một số người thuộc diện “nghỉ cũng được mà không nghỉ cũng được”. “Có ý kiến nói đưa lên bảng điện tử công khai để cử tri theo dõi thì số đại biểu dự họp tăng lên”, bà Nga nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, số đại biểu vắng mặt thường có lý do. Tại mỗi kỳ họp đều quán triệt hạn chế đại biểu đi công tác nước ngoài, trừ dự hội nghị quốc tế là bất khả kháng. “Chúng ta không quá nặng nề vấn đề này, nhưng sẽ nhắc trưởng đoàn quán triệt để tăng cường trách nhiệm. Tránh việc đại biểu vào họp rồi lấy báo ra đọc, truyền hình quay hết, chúng tôi ngồi trên này cũng biết hết”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.