Pháp đình

Hàn Đức Long - Bốn lần bị tuyên án tử, 4.000 ngày kêu oan

22/12/2016, 07:23
image

Ông Hàn Đức Long trải qua 11 năm trong tù, từng bị cùm chân và biệt giam với 4.000 ngày kêu oan.

15658017_847426798693711_1906736964_o

"Tử tù thập kỷ" Hàn Đức Long và vợ tại nhà riêng sáng 21/12.

Trong giây phút đoàn tụ sau 11 năm ngồi tù oan, ông Hàn Đức Long (57 tuổi), người mang danh “tử tù thập kỷ” và người vợ tần tảo của mình chỉ biết ôm nhau khóc sau quãng thời gian đằng đẵng phải sống trong tủi nhục.

Ngỡ như là giấc mơ!

Sáng sớm 21/12, ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ của gia đình bà Nguyễn Thị Mai,  thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên (Bắc Giang) thanh bình đến lạ thường. Ngồi ngay cạnh cửa là “tử tù thập kỷ” Hàn Đức Long, với mái tóc bạc trắng, mới trở về từ trại giam đêm hôm trước (20/12). Ông Long hướng mắt nhìn lên bầu trời như muốn hít thỏa thích vào lồng ngực bầu không khí tự do sau 11 năm bị còng chân, biệt giam trong tù.

Sau khi được đo huyết áp, ông Hàn Đức Long trầm ngâm chia sẻ: “11 năm qua tôi luôn tự động viên mình lạc quan, cố gắng giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực. Lúc mới bị tạm giam, tôi không có cơ hội để chứng minh mình vô tội. Nhưng sau này, tôi luôn chờ mong những phiên tòa để có thể công khai, trực tiếp trình bày. Hơn một thập kỷ qua, hễ có cơ hội là tôi kêu oan, từ trình bày trực tiếp với cán bộ điều tra, cán bộ trại giam, đến viết đơn gửi tới nhiều cơ quan có thẩm quyền. Cứ nghĩ ai có thể nghe thấy tiếng kêu của mình, tôi đều kêu oan hết”.

Xem thêm video:

Ông kể, 11 năm trong tù có đến hơn 9 năm ông mang thân phận tử tù, bị cùm chân và biệt giam. Ngày Tết, chế độ của tử tù đặc biệt hơn những phạm nhân khác, ngoài bánh chưng, giò lụa còn có cả gói quà riêng. "Nhìn bánh chưng mà uất nghẹn, nhưng tôi vẫn động viên phải ăn thật no để có sức kêu oan, phải thương vợ con mình đang chịu biết bao tủi nhục", ông Long nhớ lại.

Gần 11 năm bị giam ở trại giam Kế (Bắc Giang), năm 2016, ông được chuyển lên trại giam T16 của Bộ Công an. Khoảng 16h chiều 20/12, ông được cán bộ trại giam vào thông báo thu dọn hành lý. Lúc đầu, ông chỉ nghĩ mình lại sắp phải chuyển trại giam. Tuy nhiên, khi ra tới bên ngoài, ông mới nhận được thông tin mình được trả tự do. Sau đó, ông được cán bộ VKSND và Công an tỉnh Bắc Giang đưa về trụ sở UBND xã Phúc Sơn, rồi được đưa thẳng về nhà. "Cho tới tận giờ phút này khi đang ngồi trong vòng tay của người thân, tôi vẫn cứ ngỡ đây là một giấc mơ”, ông chia sẻ.

Phía sau người tử tù

Nhớ lại hành trình gần 4.000 ngày không mệt mỏi gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho chồng, bà Mai bùi ngùi kể: Từ khi ông Long bị bắt về tội "Hiếp dâm", "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người" năm 2005, gia đình bà đã khó khăn lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Những khi gặp chồng, bà Mai không thể cầm nổi nước mắt khi ông ngày một gầy gò, tiều tụy. “Chồng tôi bị bắt từ năm 2005, bị giam giữ tại trại giam Kế, Bắc Giang nhưng tới năm 2007 tôi mới được vào thăm lần đầu. Ông ấy vẫn động viên tôi cố gắng sống để nuôi dạy các con. Đặc biệt, dặn tôi tiếp tục viết đơn kêu oan cho chồng. Nhìn vào đôi mắt của chồng khi đó tôi cảm nhận được một sự tuyệt vọng đến cùng cực”, bà Mai nói.

Bà Mai cho hay, không bao giờ tin chồng phạm tội, bởi đã chứng kiến ông Long có mặt ở nhà trong khoảng thời gian cháu bé bị hiếp và giết. “Tôi gửi đơn không sót cơ quan có thẩm quyền nào. Có lần vì quá tủi cực trước thái độ của người nhận đơn, tôi và người thân chỉ biết ôm nhau khóc ngay giữa đường”, bà Mai sụt sùi nhớ lại.

Để có tiền đi khắp nơi kêu oan cho chồng, bà Mai nhờ người quen tìm việc làm rồi lên Hà Nội làm phụ hồ tại khu vực Gia Lâm. Họ hàng hai bên nội, ngoại cũng rất cảm thông, trong đó có anh trai của ông Long đã thế chấp cả sổ đỏ lấy tiền thuê luật sư bào chữa cho người em.

Được biết, gia đình ông Long có hai người con nhưng đúng lúc cần sự bảo ban, chăm sóc và giáo dục nhiều nhất của bố mẹ thì ông Long lại bị bắt đi tù. Thế rồi, hai con của ông đều phải bỏ học sớm, đứa đi phụ hồ, đứa làm công nhân. Cuộc sống của ba mẹ con bà Mai cứ vậy trôi đi giữa sự nghèo nàn, tủi nhục bởi nỗi oan ức của người chồng, người cha của mình chưa được hóa giải.

Nắm chặt bàn tay bà Mai, ông Hàn Đức Long giọng như nghẹn lại: “Người đầu tiên tôi muốn gửi lời cảm ơn là vợ, người đã vượt qua nhiều khó khăn đi kêu oan cho tôi trong nhiều năm qua. Tôi cũng khắc tâm ghi ơn sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng công minh, những luật sư, nhà báo tận tâm đã rửa oan này cho tôi”.

Sáng 27/6/2005, người dân thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang phát hiện xác bé gái 5 tuổi tại mương nước gần bờ ruộng. Nhà chức trách xác định, cháu bé bị hiếp dâm rồi bị dìm chết. Đến tháng 10/2005, CQĐT nhận được đơn của hai mẹ con tố cáo việc cả hai bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này, sau đó làm đơn tự thú là thủ phạm hiếp dâm, giết cháu bé 5 tuổi nêu trên. Từ năm 2007 - 2011, qua 4 phiên tòa, ông Long bị tuyên phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, hình phạt chung là tử hình. Suốt thời gian này, ông Long liên tục kêu oan, nói do bị ép buộc nên thời điểm bị triệu tập mới nhận tội.

Năm 2014, TAND Tối cao đã xét xử giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để yêu cầu điều tra, làm rõ nhiều vấn đề còn mâu thuẫn. Đến ngày 20/12, VKSND tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do và phục hồi mọi quyền công dân đối với ông Long.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.