Xã hội

Hạn hán ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ: "Bằng mọi giá không để dân thiếu nước"

22/07/2020, 16:17

Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ để bàn về công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai.

img
Cảnh đồng ruộng khô nứt nẻ ở Nghi Lộc, Nghệ An

Sáng 22/7, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai khu vực Bắc Trung bộ”.

48 vụ cháy rừng, xâm nhập mặn phức tạp

Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở khu vực Bắc Trung Bộ (6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), phổ biến từ 200 - 500mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 30-60%.

Trong khi đó, từ tháng 5/2020 nắng nóng liên tục gia tăng trên diện rộng, kéo dài, nhiệt độ cao nhất thực đo trong các đợt nắng nóng từ 38 đến 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Nhiệt độ trung bình tháng 6/2020 ở khu vực cao hơn TBNN từ 1,5-2,5 độ C; nửa đầu tháng 7/2020, nhiệt độ cao hơn TBNN trên 2,0 độ C.

Lượng mưa ít, cùng với nắng nóng đã khiến cho nhiều hồ thủy lợi trên khu vực Bắc Trung Bộ cạn kiệt. Dung tích trữ của các hồ thời điểm đầu mùa khô đạt 85% dung tích thiết kế.

img
Trạm bơm nước trên sông Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An) cạn nước, xâm nhập mặn khiến cá chết

Hạn hán đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt người dân và sản xuất nông lâm nghiệp trong cả vùng. Cụ thể, có khoảng 46.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Khoảng 8.200 ha đang phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; 25.970 ha diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước. Ngoài ra, từ đầu mùa khô 2019-2020, khu vực đã có 48 vụ cháy rừng; xâm nhập mặn có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo dự báo, thời gian tới, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 8- 9/2020 phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C, các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8/2020 ở khu vực Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa dự báo trong tháng 8 - 9/2020 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ; tháng 10/2020 ở mức cao hơn TBNN từ 10-20%...

img
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Để ứng phó với thực trạng này, thời gian tới Bộ NN&PTNT yêu cầu ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.

Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ chống hạn gồm nâng cấp, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp. Xây dựng mới các công trình cho vùng khó khăn về nguồn nước, các vùng có nhu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.

Không để dân thiếu nước

Về biện pháp chống hạn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Biện pháp quan trọng lúc này là tranh thủ tối đa điều phối nước; Tập trung bằng mọi cách, từ chuyển nước, bơm cưỡng bức, nạo vét, cho đến dùng các loại máy bơm nhỏ để hỗ trợ cho được 26.000 ha; Áp dụng quy trình tưới luân phiên, ưu tiên cây sắp thu hoạch phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

"Riêng 46.600 hộ thiếu nước bằng mọi giá không để dân thiếu nước, kể cả phải áp dụng biện pháp chở nước đến cho dân", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về lâu dài phải xác định biến đổi khí hậu sẽ còn gay gắt hơn nên Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng 2 đầu, hạn cũng được mà mưa cũng không bị thiệt hại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ cơ cấu sản xuất kể cả cây trồng vật nuôi; Rà soát kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai của các tỉnh theo tinh thần của Chỉ thị 42. Đặc biệt, không được chủ quan. Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy lợi tập hợp kiến nghị của địa phương và làm việc với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí chống hạn, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa 1.200 hồ.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã cùng với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đi kiểm tra tình hình hạn hán tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.