Thị trường

Hạn, mặn 445.000 ha lúa đe dọa an ninh lương thực

25/02/2016, 09:02

Hạn hán và xâm nhập mặn đang ở mức kỷ lục ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng lúa 8 tỉnh ven biển ĐBSCL...

9

ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm qua

Diện tích thiệt hại còn tăng nữa!

Tính tới thời điểm hiện tại, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Hạn hán kéo dài kèm theo mực nước biển dâng cao khiến ảnh hưởng của xâm nhập mặn rất lớn, vào sâu hơn và nồng độ lớn hơn. Một số vị trí dọc ven biển, từ sông Vàm Cỏ đến sông Tiền, sông Hậu, mặn đều vào sâu hơn từ 30 đến 50 km, độ mặn cao hơn từ 4-7g/lít. Địa phương thiệt hại nặng nhất do xâm nhập mặn gồm: Kiên Giang hơn 34.000 ha lúa Đông Xuân bị mất trắng; Cà Mau hơn 10.000 ha, Hậu Giang thiệt hại hoàn toàn hơn 700 ha và 300 ha bị nước tràn đê có nguy cơ giảm năng suất... Tỉnh Bến Tre cũng mất trắng hơn 10.000 ha và 4.000 ha lúa đang trong vùng bị ảnh hưởng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, do chưa tới thời điểm thu hoạch nên chưa thể thống kê thiệt hại sản lượng lúa Đông Xuân do hạn hán và ngập mặn gây nên. “Nếu xâm nhập mặn tiếp tục căng thẳng, diện tích lúa thiệt hại còn có thể tăng thêm, thậm chí ảnh hưởng tới vụ Hè Thu”, ông Trung nhận định. Theo dự báo, tình hình triều cường xâm nhập mặn tại ĐBSCL có thể diễn ra đỉnh điểm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới.

Kết quả khảo sát 8 tỉnh ven biển tại ĐBSCL cho thấy, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán trong vụ Đông Xuân 2015-2016 lên tới gần 340.000 ha và 104.000 ha thiệt hại nặng (70% diện tích gieo trồng bị mất trắng).

Trước lo ngại về tình hình an ninh lương thực sẽ bị đe dọa khi sản lượng lúa ĐBSCL vụ Đông Xuân bị thiếu hụt, ông Trung nhận định: “Tình hình chưa tới mức nghiêm trọng như vậy, đây mới là vụ đầu năm, các địa phương sẽ tìm mọi cách để điều chỉnh diện tích gieo trồng các vụ tiếp theo để bù lại sản lượng bị thiếu”. Theo vị Cục trưởng, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong năm 2016, các địa phương cần bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.

“Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả”, ông Trung khuyến cáo.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn, tổ chức lấy nước và tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, trục kênh rạch nội đồng; nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước...

Nông dân thêm chật vật

Trong lần hạn hán, xâm mặn này, Kiên Giang là tỉnh bị dự báo có diện tích lúa thiệt hại lớn nhất tại ĐBSCL. Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, thời gian qua, địa phương đã phải gồng mình cứu hạn ngăn mặn song diện tích thiếu nước vẫn còn khá lớn. “Trong thời gian ngắn, hàng loạt giải pháp đã được triển khai đồng loạt: Đóng 28 cống thủy lợi ngăn mặn trên tuyến đê biển Rạch Giá - Kiên Lương; đắp trên 100 bờ đập thời vụ dọc theo các tuyến sông, kênh rạch; tập trung duy tu, sửa chữa các cống thủy lợi, theo dõi và thông báo tình hình mực nước tại các trạm đo...”, ông Nam cho biết.

Nhận định về sản lượng lúa vụ Đông Xuân, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Đối với những diện tích không bị hạn, mặn song nắng nóng kéo dài, năng suất lúa vẫn có thể giảm khoảng 200kg/ha. Đây cũng sẽ là tình trạng chung của các tỉnh tại ĐBSCL. “Mất mùa, giá bán lúa hiện cũng chỉ nhích một chút, dao động 4.300-4.600 đồng/kg, đời sống người nông dân trồng lúa ĐBSCL lại thêm phần khó khăn”, ông Đồng nói.

Để đối phó với hạn hán, xâm mặn, UBND tỉnh Hậu Giang sắp tới sẽ trình văn bản lên Chính phủ đề xuất xin kinh phí khoảng 260 tỷ đồng cho dự án tuyến đê ngăn mặn dài hơn 30km. Được biết, hệ thống đê cụm công trình Cái Lớn-Cái Bé với khoảng 7.000 tỷ phục vụ cho khu vực đồng bằng sông Hậu cũng đang chờ được phê duyệt.

Về nguồn kinh phí, Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung khẳng định: “Chính phủ đã chỉ đạo dành kinh phí đáp ứng nhu cầu cấp bách chống hạn, xâm nhập mặn của các tỉnh ĐBSCL. Theo đó, nguồn vốn này một phần được trích từ ngân sách, phần còn lại sẽ huy động nguồn vay ODA”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.