Thế giới giao thông

Hàn Quốc tham vọng cạnh tranh thị trường đường sắt cao tốc

27/12/2016, 07:18
image

Đường sắt cao tốc đang ngày một chiếm lĩnh trong thế kỷ 21 với nhu cầu phát triển trên khắp thế giới .

chinh phu (1)

Chính phủ Hàn Quốc đang vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX) - thu về lợi nhuận rất cao dù giá vé rẻ.

Đường sắt cao tốc đang ngày một chiếm lĩnh trong thế kỷ 21 với nhu cầu phát triển trên khắp thế giới và trở thành thị trường béo bở, hấp dẫn nhiều “người chơi” tham gia, điển hình là Hàn Quốc.

“Nhón chân” vào thị trường béo bở 133,4 tỉ USD

Nhiều năm trở lại đây, thị trường đường sắt cao tốc toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ đáng kể, dẫn đầu là khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Phân tích do Công ty Nghiên cứu thị trường BCC Research (Mỹ) thực hiện cho thấy, nhu cầu của thị trường này đang phát triển thần tốc, đặc biệt, tại các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản. Dự kiến, tới năm 2019, thị trường này sẽ có giá trị lên tới 133,4 tỉ USD.

Trước sức hấp dẫn này, mới đây, Chính phủ Hàn Quốc hé lộ tham vọng “chen chân” vào thị trường cung cấp công nghệ đường sắt cao tốc thế giới mà hai đối thủ Nhật, Trung đang chiếm lĩnh. Và bệ phóng cho Hàn Quốc tiến vào thị trường này chính là dự án đường sắt khổng lồ xuyên quốc gia Singapore - Malaysia trị giá 15 tỉ USD. Tuyến đường này dài 350km được đánh giá “làm thay đổi cuộc chơi” cả hai nước Singapore và Malaysia. Siêu dự án này sẽ cắt giảm thời gian hành trình giữa Singapore với Kuala Lumpur xuống 90 phút so với hơn 4 giờ đi ô tô như hiện nay. Dự kiến, giai đoạn đấu thầu quốc tế của dự án sẽ kết thúc trong quý đầu năm tới.

Thực tế, Hàn Quốc là “người đến sau” trên thị trường đường sắt tốc độ cao. Seoul bắt đầu sử dụng và tiếp thu công nghệ đường sắt cao tốc của Pháp từ năm 2004. Sau 12 năm, Hàn Quốc đang vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX), kết nối Thủ đô Seoul với các thành phố phía Nam như Busan và Gwangju, thu về lợi nhuận rất cao dù giá vé rẻ. Tàu chạy tốc độ lên tới 300km/h, phục vụ 176 nghìn hành khách/ngày và thu về lợi nhuận 700 tỉ won (580 triệu USD) trên doanh số 2 nghìn tỉ won vào năm ngoái. Tàu cao tốc từ Seoul tới Busan mất khoảng 2h34 cho quãng đường 325km, với giá 59,8 nghìn won (tương đương 1,1 triệu VND). Hiện nay, nước này đã sẵn sàng để xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc “cây nhà lá vườn”.

Thách thức và cơ hội

Trên thị trường đường sắt cao tốc, Hàn Quốc sẽ đối mặt với các đối thủ mạnh như Trung Quốc nổi tiếng “mạnh về gạo, bạo về tiền”; Nhật Bản mạnh về kinh nghiệm và công nghệ. Phó Giám đốc cơ quan Chính sách đường sắt Bộ Giao thông Hàn Quốc Park Jin-ho nhận định: “Đường sắt cao tốc là lĩnh vực phát triển nhanh, yêu cầu công nghệ sản xuất tân tiến”, song, ông tự tin: “Hàn Quốc có thể đi sau về tài chính nhưng ngang hàng với Trung Quốc và Nhật Bản về công nghệ”. “Hàn Quốc chưa có thành tựu lớn trên thị trường nước ngoài nhưng chúng tôi sẽ đưa ra những điều khoản hấp dẫn như chuyển giao công nghệ vì chúng tôi biết rõ những gì các nước mới nổi cần”, ông Park nói.

Ông Lee Jong-yun, Giám đốc các dự án nước ngoài của Mạng lưới Đường sắt Hàn Quốc cho biết: “Hy vọng dự án Singapore - Malaysia sẽ trở thành dự án nước ngoài đầu tiên mà chúng tôi thực hiện. Đây sẽ là trận chiến đầy khốc liệt”.

Trung Quốc, đất nước có hệ thống đường sắt cao tốc đồ sộ nhất thế giới, vốn đã giành được nhiều dự án quy mô lớn ở nước ngoài. Đồng thời, nước này cũng đang đầu tư mạnh vào một số dự án lớn của Chính phủ Malaysia bao gồm hệ thống đường sắt Bờ Đông trị giá 12 tỉ USD.

Còn Nhật Bản có kinh nghiệm phát triển đường sắt hơn 5 thập kỷ, đang tăng cường xuất khẩu công nghệ tàu Shinkansen, trong đó, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ tăng gấp ba doanh số xuất khẩu hạ tầng lên 30 nghìn tỉ yên, tính tới năm 2020. Các công ty nước ngoài khác của châu Âu như: Bombadier (Canada), Alstom (Pháp), Siemen (Đức) cũng theo dõi sát sao thỏa thuận này.

Về phía các nhà phân tích, họ không lạc quan như chính phủ về cơ hội và sức mạnh để Hàn Quốc thắng thầu dự án Singapore- Malaysia. “Hàn Quốc sẽ phải chật vật tìm cách đưa ra đề xuất cho vay khổng lồ để chạy đua với các nước khác”, ông Sagong Myung, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc nhận định. Ông Sagong khẳng định, ưu thế của Hàn Quốc là ở cách thức hoạt động tiên tiến, hệ thống kiểm soát đường sắt không dây cùng hệ thống liên lạc trên tàu hiện đại - các công nghệ mà Hàn Quốc đang đi đầu và dự kiến sử dụng trên tuyến đường sắt KTX phía bờ Đông nước này chuẩn bị hoạt động vào cuối năm tới, trước Olympic mùa đông 2018.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.