Thời sự Quốc tế

Hàn Quốc và mối đe dọa “tuyệt chủng tự nhiên" vào năm 2750

25/01/2019, 19:46

Gánh nặng kinh tế và áp lực hôn nhân đang khiến ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân.

img
Cô dâu chú rể ngủ gật trong một đám cưới tập thể tại Hàn Quốc

Gánh nặng kinh tế và áp lực hôn nhân đang khiến ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân. Quên kết hôn và không muốn sinh con là chuyện đang xảy ra. Thậm chí, giờ đây người trẻ ở xứ sở kim chi còn ngại cả việc hẹn hò.

“Bao giờ kết hôn?”

Khảo sát vừa công bố của Viện Sức khỏe và các Vấn đề Xã hội của Hàn Quốc cho hay, chỉ chưa đầy 40% người trưởng thành độc thân ở Hàn Quốc trong độ tuổi từ 22 - 44 tham gia khảo sát cho biết họ đang tích cực hẹn hò. Tỉ lệ này còn đang có xu hướng thấp hơn.

Trong một báo cáo đăng trên tờ Korea Herald, 90% đàn ông và 77% phụ nữ Hàn Quốc tuổi từ 25 - 29 chưa kết hôn. Trong nhóm những người 30-34 tuổi, tỷ lệ người chưa kết hôn là 56% và nhóm 40-45 tuổi là 33%.

Đáng báo động hơn, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc thuộc diện thấp nhất thế giới: 0,95 (vào cuối năm 2018), nghĩa là cứ 100 phụ nữ Hàn Quốc, chỉ có 95 trẻ nhỏ được sinh ra. Để đảm bảo dân số phát triển ổn định, tỉ lệ sinh của một quốc gia phải ở mức 2,1. Đầu những năm 1970, gần 1 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm tại Hàn Quốc nhưng đến năm 2017 lượng trẻ sơ sinh chào đời mỗi năm giảm xuống còn ở mức 357.700.

Các nhà phân tích đã chỉ ra một vài lý do khiến việc lập gia đình và sinh con trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều thanh niên tại Hàn Quốc. Nguyên nhân đầu tiên là gánh nặng tài chính.

Các cặp vợ chồng sắp cưới ở Hàn Quốc phải chi trung bình 90.000USD tổ chức một lễ thành hôn truyền thống bao gồm thuê địa điểm tiệc tùng, mua quà tặng tình nhân, trả tiền quà cho thông gia, của hồi môn và nhiều khoản khác.

Trong khi đó, đất nước châu Á này đang phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục trong vòng 17 năm qua và lương trung bình của người lao động Hàn Quốc là 35,5 triệu won/năm (31.650USD), chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của người lao động Mỹ.

Ngoài ra, việc xã hội Hàn Quốc coi trọng sự nghiệp và bằng cấp hơn các mối quan hệ là lý do tiếp theo khiến ngày càng nhiều thanh niên tập trung cho sự nghiệp và quên đi việc lập gia đình.

Khảo sát được thực hiện trên trang web việc làm năm 2018 với 1.141 người tham gia cho thấy, 68,3% số người được hỏi ưu tiên phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống cá nhân hơn lập gia đình, trong khi đó 47,5% không muốn kết hôn vì sợ những gánh nặng tài chính.

“Tuyệt chủng tự nhiên”

Hệ lụy của tình trạng trên khiến dân số Hàn Quốc đang ngày càng già hóa. Cụ thể, ước tính đến năm 2030, gần 1/3 dân số nước này ở độ tuổi trên 65, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn báo cáo của nhà nghiên cứu kinh tế Kang Sung-jin cho hay.

Số lượng người cao tuổi tăng cao đồng nghĩa với việc chi phí phúc lợi xã hội tăng, gây gánh nặng thuế lớn hơn lên những người trẻ.

Chính phủ Seoul đã nhận thức được vấn đề này. Kể từ năm 2005, Hàn Quốc đã chi 32,1 tỷ USD giảm bớt các gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ thông qua các chương trình trợ cấp trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ trị giá 268USD/ tháng.

Mới đây, tháng 7/2018, Hàn Quốc thông qua dự luật kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên đến 2 năm và cho phép các ông bố được hưởng 80% lương, tối đa 1.338 USD/ tháng khi ở nhà chăm con sơ sinh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp trên chỉ là giải pháp tình thế. Trong xã hội phụ hệ và bảo thủ như Hàn Quốc, phụ nữ phần lớn phải bỏ việc và ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Điều này khiến các cô gái trẻ nhận ra cuộc sống hôn nhân khiến họ mất nhiều hơn được.

Shin Gi-wook, giáo sư gốc Hàn nghiên cứu về xã hội học tại Đại học Stanford (Mỹ), nhận xét phụ nữ Hàn Quốc đang cảm thấy khó xoay xở để vừa duy trì việc đi làm, vừa đáp ứng những kỳ vọng của gia đình và xã hội: Làm mẹ hiền, vợ đảm, dâu thảo.

Theo nhà xã hội học và giảng viên Đại học Seoul Michael Hurt, Hàn Quốc cần phải thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ và mạnh tay cải cách những chính sách có lợi cho đàn ông nhưng gây bất lợi cho phụ nữ bấy lâu nay, nếu không xứ sở của món kim chi nổi tiếng sẽ đối mặt với “tuyệt chủng tự nhiên vào năm 2750” như một nghiên cứu của Chính phủ công bố năm 2014 đã cảnh báo.

img

Thủ lĩnh phe đối lập Venezuela tuyên bố "ân xá có điều kiện" cho ông Maduro

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.