Công nghệ

Hanel xây dựng hệ thống chính phủ điện tử cho Myanmar

27/09/2014, 09:10

Công ty cổ phần Công nghệ Hanel DTT Việt Nam và Công ty Sundew Myanmar vừa ký thoả thuận hợp tác xây dựng hệ thống chính phủ điện tử cho Myanmar.

Công ty cổ phần Công nghệ Hanel DTT Việt Nam và Công ty Sundew Myanmar vừa ký thoả thuận hợp tác xây dựng hệ thống chính phủ điện tử cho Myanmar.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Hanel DTT Việt Nam và Công ty Sundew Myanmar
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Hanel DTT Việt Nam và Công ty Sundew Myanmar

Đưa công nghệ Việt Nam ra thế giới

Sau khi tham quan gian hàng của Hanel DTT và sản phẩm nền tảng nguồn mở phát triển chính phủ điện tử (Openegovplatform OEP - http://openegovplatform.org ) tại Triển lãm Công nghệ thông tin truyền thông KL Converge 2014, Maylaysia từ ngày 16-20/9/2014, bà Khin Mrat Noe - Phó Giám đốc Sundew Myanmar đánh giá rất cao nền tảng OEP ứng dụng cho hệ thống chính quyền điện tử tại Đà Nẵng, Hà Nội, các bộ ngành mà Hanel DTT đã triển khai và bày tỏ sẵn sàng tham dự cộng đồng OEP để sử dụng OEP xây dựng hệ thống chính phủ điện tử cho Myanmar.


Tháng 8/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất nhân rộng mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng để áp dụng triển khai tại các địa phương khác, nếu mô hình này thực sự mang lại hiệu quả tốt.

Ngày 24/9/2014, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ thông tin viễn thông Việt Nam - Myanmar tổ chức tại Yangon, Myanmar, Công ty CP Công nghệ Hanel DTT Việt Nam, đại diện là ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Điều hành và Công ty Sundew Myanmar, đại diện là ông Mr. HToon Lin - Giám đốc Điều hành đã chính thức ký kết thoả thuận hợp tác xây dựng các ứng dụng chính phủ điện tử trên nền OEP cho Myanmar.

Lễ ký kết được diễn ra trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, ông Zaw Min Oo - Tổng Thư ký Hiệp hội máy tính Myanmar, ông Nguyễn Long - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghệ thông tin Việt Nam cùng nhiều quan chức cấp cao của hai nước.

Với thoả thuận hợp tác này, hai bên sẽ xây dựng điều lệ về nền tảng OEP tại Myanmar nhằm phát triển cộng đồng OEP tại Đông Nam Á; chia sẻ nguồn lực để thực hiện các dự án về chính phủ điện tử tại Đông Nam Á; làm việc theo hình thức G2G (Chính phủ với Chính phủ) về các dự án liên quan đến chính quyền điện tử.

Ngoài ra, hai bên đồng ý sẽ trao đổi thông tin, chuyên gia, kinh nghiệm và công nghệ để hỗ trợ xây dựng cộng đồng OEP nhằm mở rộng các tính năng OEP cũng như thực hiện các dự án trên nền OEP giữa hai quốc gia. Thoả thuận hợp tác này là thành công bước đầu, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa công nghệ Việt Nam ra thế giới. OEP đang trở thành một lựa chọn tốt cho các nước đang phát triển như Myanmar và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

OEP là gì?

Nền tảng phát triển chính quyền điện tử nguồn mở (Open eGovPlatform - OEP) là nền tảng phần mềm được tích hợp từ các phần mềm mã nguồn mở hàng đầu trên thế giới trong từng thành phần, được thiết kế phù hợp với các hệ thống lớn và yêu cầu của hệ thống chính phủ điện tử. OEP cung cấp kiến trúc dữ liệu theo các quy định của Chính phủ Việt Nam trong từng lĩnh vực nghiệp vụ.

OEP sẵn sàng cho việc phát triển các ứng dụng trong các cơ quan Nhà nước cho tất cả các cấp hành chính từ cấp Chính phủ (Bộ, ban, ngành), cấp Tỉnh/Thành phố, cấp Quận/Huyện và Phường/Xã trên kiến trúc nghiệp vụ thống nhất, dữ liệu tích hợp và sử dụng mã nguồn mở, không có chi phí bản quyền phần mềm. 

Phiên bản OEP 1.1 dự kiến sẽ ra mắt và cuối năm 2014, theo đó các chức năng cơ bản sẽ đáp ứng nhu cầu của chính quyền địa phương và các cấu phần chính của hệ thống CNTT quốc gia bao gồm quản lý công dân, quản lý trên nền GIS, trao đổi dữ liệu, các dịch vụ công cho các thành phố, bộ, ngành. Phiên bản OEP 2.0 cũng sẽ ra mắt năm 2015 với các chức năng được nâng cấp để hỗ trợ các công nghệ điện toán đám mây, di động và dữ liệu lớn.

T.B

 

 

 

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.