Thế giới giao thông

Hãng bay ở Mỹ tặng ô tô, điện thoại để hút nhân viên

26/03/2023, 08:00

Để cạnh tranh trong bối cảnh thị trường nhân lực khan hiếm, các hãng hàng không tại Mỹ đưa ra nhiều ưu đãi, trong đó tặng cả ô tô, điện thoại.

Nghỉ việc vì quá tải, lương thấp

Ngành hàng không tại Mỹ hiện đang xảy ra tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng, nhất là nhân viên xử lý hành lý, dịch vụ khách hàng.

Vào năm ngoái, thiếu nhân viên là nguyên nhân chính dẫn tới cảnh hành khách xếp hàng dài chờ đợi, hành lý thất lạc giữa mùa cao điểm du lịch Hè, làm ảnh hưởng tới sự phục hồi của ngành sau đại dịch Covid-19.

img

Cơ quan Hàng không thành phố Phoenix công bố chương trình hỗ trợ cho trẻ em đối với nhân viên sân bay Phoenix, bang Arizona để hỗ trợ lao động trong ngành hàng không

“Trong năm 2023, thực trạng này được dự báo còn tồi tệ hơn!”, Giám đốc điều hành United Airlines Scott Kirby nhận định như vậy và lý giải, hệ thống hàng không Mỹ không thể xử lý khối lượng công việc hiện tại, không thể bay đúng lịch trình.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đề xuất tăng ngân sách cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để đẩy mạnh việc thuê nhân viên kiểm soát không lưu và thực hiện các cải cách khác khi ngành hàng không Mỹ ngày càng bận rộn, không phận “chật như nêm”.
Theo đó, Nhà Trắng đề xuất một dự luật trị giá 16,5 tỷ USD cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ, tăng cao so với 15,2 tỷ USD được thông qua trong năm tài khóa 2023.

Về phía nhân viên, nhiều người như ông Jared Barker, đã quyết định nghỉ việc xử lý hành lý tại Sân bay Quốc tế Minneapolis - Saint Paul giữa lúc nhu cầu đi lại bùng nổ sau đại dịch vì công việc dồn ứ và quá tải.“Khối lượng công việc quá lớn khiến tôi gần như kiệt sức”, ông nói.

Để thay đổi tình hình này, cả chính quyền Mỹ và các hãng hàng không khu vực Bắc Mỹ đều đang tìm phương hướng.

Tuy nhiên, việc giữ chân và thu hút nhân sự trong ngành hàng không không hề dễ dàng do mức lương ở một số vị trí khá thấp khiến việc cạnh tranh nhân sự với các ngành công nghiệp khác càng trở nên khó khăn.

Hiện mức lương trung bình của nhân viên sân bay tại Mỹ chưa tới 18 USD/giờ, thấp hơn đáng kể so với mức lương trung bình tại các công ty thương mại điện tử như Amazon là 33 USD/giờ.

Bên cạnh đó, việc thu hút nhân sự mới trong ngành hàng không tại Mỹ cũng gặp khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 53 năm qua.

Trước nhiều thách thức như vậy, các sân bay, hãng hàng không đã đề ra nhiều chính sách nhằm thu hút và giữ chân nhân sự.

Từ cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ

Ông Thomas Romig, Phó chủ tịch tổ chức Hội đồng sân bay quốc tế Mỹ cho biết, các sân bay đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tuyển dụng, giữ chân, huấn luyện và nâng cao trình độ nhân sự, bao gồm cung cấp các dịch vụ như chăm sóc con cho nhân viên.

“Nếu bạn muốn người lao động sẵn sàng làm việc vào những ca như nửa đêm hay giữa trưa thì bạn cần hỗ trợ cuộc sống gia đình họ”, ông Romig nói.

img

Cơ sở trông giữ trẻ đang được xây dựng tại Sân bay Quốc tế YLW Kelowna, British Columbia, Canada. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, trước đây, trừ California, các sân bay tại Mỹ thường không hỗ trợ dịch vụ trông trẻ cho nhân viên nhưng xu hướng này đang dần thay đổi.

Cơ quan quản lý hàng không thành phố Phoenix - quản lý Sân bay Quốc tế Phoenix Sky Harbor đã khởi động chương trình chăm sóc trẻ cho nhân viên sân bay, hỗ trợ một phần phí trông trẻ và có kế hoạch xây dựng cơ sở trông trẻ ngay tại sân bay.

Ngoài ra, thành phố Phoenix, bang Arizona cũng đang chi 1 triệu USD để xây một cơ sở trông trẻ khác gần sân bay. Kể từ khi phát động, 37 nhân viên đã đăng ký tham gia chương trình.

Tương tự, Sân bay Quốc tế Cincinnati - Northern Kentucky, bang Kentucky cũng đang cân nhắc cung cấp dịch vụ giữ trẻ gần hoặc ngay tại sân bay để mang đến nhiều quyền lợi hấp dẫn hơn nhằm thu hút người lao động.

Trong khi đó, một số sân bay tại bang California - vốn đã cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ, cân nhắc thêm các quyền lợi khác để thu hút nhân sự. Chẳng hạn, tháng 7 tới, thành phố San Francisco sẽ tăng trợ cấp hàng tháng cho nhân viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng thêm 50%, thử nghiệm dịch vụ đưa đón miễn phí cho nhân sự ở xa.

Đến tặng ô tô, điện thoại

img

Rất đông hành khách chờ đợi tại sân bay LaGuardia, Mỹ

Hãng hàng không Delta Air Lines đang áp dụng chính sách thưởng nóng 5.000 USD cho nhân viên bốc xếp ngay sau khi ký hợp đồng lao động tại thành phố Minneapolis.

Theo nội dung thông báo tuyển dụng, một số hãng bay khác như United Airlines, Alaska Airlines cũng áp dụng chính sách tương tự để thu hút nhân viên làm công việc bốc xếp hành lý, hàng hóa.

Công ty chuyên về dịch vụ mặt đất Unifi, bên cung cấp nhân sự và thiết bị cho các hãng bay như Delta, United và Alaska Airlines ghi nhận, chi phí tuyển dụng lao động mới tăng tới 60% so với mức trước đại dịch.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nhân sự thôi việc ở Unifi cũng ở mức cao hơn so với trước đại dịch, buộc công ty phải áp dụng các chương trình thưởng để tạo động lực, khích lệ và giữ chân nhân viên.

Chẳng hạn, năm ngoái, công ty tặng ô tô cho 3 nhân viên và điện thoại thông minh, bao gồm iPhone, cho hơn 3.000 nhân sự hoàn thành chỉ tiêu công việc.

Một phát ngôn viên của Unifi cho hay, công ty đang tài trợ cho chương trình hỗ trợ nhân viên mua các loại thiết bị, máy tính rồi hoàn trả tiền cho công ty sau.

Ở Canada, nhiều sân bay, hãng hàng không cũng có những chính sách thu hút nhân sự tương tự như ở Mỹ. Như tại Sân bay Quốc tế Kelowna, British Columbia, Canada, một dự án xây dựng cơ sở trông giữ trẻ chủ yếu tiếp nhận con cái của nhân viên sân bay cũng đang được tiến hành.

Sân bay tại thành phố Kelowna, Canada cũng đang xem xét phương án cung cấp dịch vụ đưa đón cho nhân viên làm ca đêm, sáng sớm khi phương tiện giao thông công cộng chưa hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.