Quản lý

Hàng chục trung tâm đăng kiểm “khắc khoải” chờ cổ phần hóa

23/07/2020, 07:22

Nhiều trung tâm đăng kiểm dù đã có chủ trương cổ phần hóa từ lâu nhưng chưa rõ thời điểm thực hiện, khiến người lao động không yên tâm làm việc.

img
Bên trong nhà xưởng Trung tâm Đăng kiểm 33-02S Sơn Tây (Hà Nội)

Nhà xưởng lạc hậu, người lao động lo mất việc

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S được thành lập từ năm 1995, trực thuộc UBND tỉnh Hòa Bình. Đến năm 2004, trung tâm này chuyển thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GTVT Hòa Bình và từ đó đến nay là trung tâm đăng kiểm duy nhất trên địa bàn tỉnh này.

Sau hơn 20 năm thành lập, đơn vị này vẫn chỉ hoạt động với một dây chuyền kiểm định, nhà xưởng xuống cấp, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu so với nhiều trung tâm đăng kiểm khác. Năm 2018, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm 28-01S, theo phương án Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần.

Đại diện Trung tâm Đăng kiểm 28-01S cho biết, từ khi có chủ trương, đăng kiểm viên, người lao động đều có tâm lý lo lắng, không rõ sẽ cổ phần hóa theo hướng nào, bao giờ thực hiện và liệu có xáo trộn công việc, thu nhập. Lo lắng càng gia tăng khi từ giữa tháng 5/2020, Trung tâm Đăng kiểm 28-01S phải ngừng hoạt động để chuyển sang địa điểm mới cách đó vài km để trả mặt bằng cho cơ quan chủ quản.

“Trung tâm mới đang được xây dựng với thiết kế hai dây chuyền kiểm định, gồm một dây chuyền mới và tận dụng dây chuyền hiện có. Người lao động thì vẫn băn khoăn vì không rõ trung tâm có tiếp tục chuyển sang mô hình công ty cổ phần hay không”, đại diện đơn vị cho biết.

Tương tự, ông Từ Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 33-01S Hà Nội cho biết, đơn vị có hai xưởng đăng kiểm tại Hà Đông và TX Sơn Tây, đang là đơn vị sự nghiệp và đã có chủ trương chuyển sang công ty cổ phần, song đến nay chưa rõ có tiếp tục cổ phần hóa nữa không.

“Việc chờ đợi quá lâu ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động. Chúng tôi mong sớm có phương án dứt điểm để người lao động yên tâm làm việc”, ông Tuấn nói.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong thời gian chờ chuyển đổi mô hình hoạt động, các đơn vị cũng khó tìm nguồn lực đầu tư nâng cấp nhà xưởng. “Hiện, có nhiều trung tâm đăng kiểm xã hội hóa ra đời nên lượng xe đến kiểm định giảm, thu chỉ đủ bù chi nên không có nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Hơn nữa, là đơn vị sự nghiệp nên cũng không tự chủ được trong việc đầu tư”, ông Tuấn thông tin.

Tại Vĩnh Phúc, Trung tâm Đăng kiểm 88-01S Vĩnh Phúc hiện cũng đang trong “chế độ chờ” cổ phần hóa, đơn vị không được chủ động một số vấn đề về tài chính. Hiện, sở GTVT đã cử người về đơn vị để quản lý về tài chính, kế toán.

Nên giữ hay đẩy nhanh cổ phần hóa?

img
Trung tâm Đăng kiểm 28-01S Hòa Bình hiện đã ngừng hoạt động

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, toàn quốc có 66 trung tâm (chi nhánh) đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp thuộc các sở GTVT (toàn quốc hiện có gần 230 trung tâm). Đến nay, có gần 20 trung tâm đã được chuyển thành công ty cổ phần, còn phần lớn đã có chủ trương chuyển đổi nhưng chưa thực hiện được.

“Phần lớn các trung tâm được xây dựng từ cách đây vài chục năm nên hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng lạc hậu, kém hơn so với các trung tâm được đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Tuy vậy, các trung tâm đều phải nâng cấp thiết bị kiểm định đời cũ để đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới được tiếp tục hoạt động”, đại diện Cục Đăng kiểm VN thông tin.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo Quyết định số 31 ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ (về tiêu chí danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần), các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới thuộc danh mục chuyển đổi sang công ty cổ phần trong giai đoạn 2017-2020.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số đơn vị, nên giữ lại các trung tâm đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp. “Cần có trung tâm đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp để tham gia các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước, như tham gia liên ngành kiểm tra kỹ thuật xe tham gia giao thông, giám định xe tai nạn”, giám đốc một trung tâm đăng kiểm nói.

Trong khi đó, đa phần các trung tâm đăng kiểm đều đồng thuận với việc cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để tạo sự cạnh tranh, hoạt động bình đẳng với các trung tâm xã hội hóa. Ông Chu Văn Khang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 98-01S Bắc Giang cho rằng, xã hội hóa đầu tư đăng kiểm là xu hướng phù hợp, tạo sự chủ động cho đơn vị trong tổ chức bộ máy, hoạt động, nhờ đó hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, lĩnh vực đăng kiểm vừa có tính chất doanh nghiệp và dịch vụ công ích, song cũng nên xã hội hóa đầu tư để tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý theo quy chuẩn, kiểm soát hoạt động và chất lượng dịch vụ qua công tác thanh, kiểm tra và giám sát bằng công nghệ.

Mục tiêu xã hội hóa đăng kiểm đã đạt được

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện nhiều địa phương có 3-4 trung tâm đăng kiểm nên mục tiêu xã hội hóa đăng kiểm đã đạt được, vì vậy mỗi địa phương nên có một trung tâm là đơn vị sự nghiệp để phục vụ công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

“Hầu hết trung tâm đăng kiểm thuộc các sở GTVT có bề dày kinh nghiệm, nguồn nhân lực có chất lượng và hoạt động theo cơ chế tự thu, chi. Trường hợp đơn vị quản trị yếu kém, ảnh hưởng đến biên chế chung của sở GTVT mới nên cổ phần hóa, còn lại nên giữ nguyên mô hình để thực hiện các nhiệm vụ mà cơ quan quản lý nhà nước giao”, ông Hình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.