Vận tải

Hàng hải lao dốc bởi Covid-19

23/04/2020, 07:19

Ngành dịch vụ hàng hải Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn khi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bị ngưng trệ, sụt giảm bởi dịch Covid-19.

img
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bị ngưng trệ thời gian qua khiến cảng biển thất thu, nhiều hãng tàu
thi nhau hủy chuyến

Cảng biển thất thu, hãng tàu thi nhau hủy chuyến

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho biết, trong bối cảnh khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài tác động mạnh đến các hoạt động dịch vụ hàng hải.

“Theo thống kê của Bộ Công thương, tính chung quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019, cũng là mức tăng trưởng xuất khẩu quý I thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Hàng công nghiệp chế biến dù là nhóm chủ lực, đóng góp hơn 80% kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, song chỉ đạt hơn 50 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chậm lại kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2020 giảm 1,9%, hiệu quả và doanh thu của các hãng tàu, cảng biển sụt giảm mạnh”, ông Hải nói.

Theo đại diện Ban Thị trường kế hoạch Vinalines, cập nhật mới nhất từ công ty phân tích chuyên ngành trong lĩnh vực hàng hải Sea-Intelligence, ngành vận tải biển đang đối mặt với sụt giảm nhu cầu vận tải container lên tới 6,4 triệu Teus trên phạm vi toàn cầu. Tính đến ngày 11/4, số lượng các tuyến trống và bị cắt giảm các tuyến vận tải chính của các hãng tàu đã vượt qua con số 384 chuyến, tương đương khoảng 3 triệu Teus. Trong đó, số lượng tàu rút khỏi tuyến Á - Âu hơn 4 tuần qua ghi nhận ở mức lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, khoảng 29 - 34%.

Dự báo, quý II/2020, có hơn 250 chuyến bị hủy và số lượng tàu phải nằm lay-up tại tất cả các phân khúc có thể tăng lên gấp đôi so với năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2019. Việc hủy chuyến này sẽ tiếp tục diễn ra và nhu cầu vận chuyển của năm 2020 có thể giảm tới 10% so với năm 2019.

“Nguyên nhân dẫn đến “thảm cảnh” này là do 3 tháng tới, ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ bị ảnh hưởng lớn do sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường Mỹ và EU. Ngành đồ gỗ đóng góp hơn 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm cũng dự báo sau khoảng 1 - 2 tuần tới phải cắt giảm 70% công suất. Số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 70%. Tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu thủy sản bị khách yêu cầu tạm hoãn hoặc yêu cầu dừng từ 20 - 40% do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới”, vị đại diện này cho hay.

Doanh nghiệp hàng hải trông chờ cơ chế hỗ trợ

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, nửa sau tháng 3/2020, các cảng bắt đầu ảnh hưởng khi một số tuyến dịch vụ bắt đầu bỏ chuyến để tiết kiệm chi phí. Do đó, quý II/2020, khu Cái Mép - Thị Vải sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng hơn, khi 3 mặt hàng chủ lực là: May mặc, giày da giảm đến 70 - 80% đơn hàng. Các chủ hàng thông báo những người mua phía châu Âu và Mỹ thậm chí còn hủy những đơn hàng đã ký hợp đồng trước đó và không hề có kế hoạch cụ thể về việc ký lại hợp đồng nên cảng biển bị ảnh hưởng nặng nề”, đại diện này nói.

Tương tự, ông Phan Tuấn Linh, TGĐ Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, hoạt động khai thác cảng của doanh nghiệp (DN) này cũng đang rất khó khăn, ngay tuần đầu tháng 4/2020, lượng hàng rời đi Nhật đã giảm 10%, hàng container đi Mỹ, châu Âu đang “lao dốc”, dự kiến chỉ còn đạt 9.000 Teus thay vì 15.000 Teus như tháng trước (3/2019). “Dự báo, hai tháng tới, nếu dịch bệnh lắng xuống, lượng hàng qua cảng Quy Nhơn ước giảm khoảng 40%. Trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, cảng sẽ đối diện nguy cơ mất 60% khối lượng hàng hóa thông qua”, ông Linh chia sẻ.

Đối với vận tải biển, theo ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco), hiện hầu hết các quốc gia khu vực châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nhật Bản… đều thực hiện biện pháp phong tỏa để phòng dịch, tàu không được vào làm hàng. Một số DN vận tải biển, trong đó có Vosco rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” khi tàu chở hàng đến cảng nhưng phải nằm chờ hết lệnh phong tỏa để dỡ hàng với chi phí phải bỏ ra từ 3.000 - 7.000 USD/ngày.

“Cách đây mấy tháng, tàu biển chạy tuyến xa tải trọng 40.000 - 50.000 DWT của Vosco có thể kiếm được 19.000 - 20.000 USD/ngày, hiện tại con số này đã giảm 60 - 70%, chỉ còn khoảng 4.000 - 5.000 USD/ngày”, ông Hoài nói.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đại dịch Covid-19, theo ông Hoài, hiện vận tải quốc tế được áp dụng mức thuế GTGT 0%, trong khi vận tải nội địa vẫn đang áp dụng mức thuế GTGT 10%. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo bộ, ngành nghiên cứu miễn, giảm thuế GTGT đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm.

“Ngân hàng Nhà nước cần xem xét khoanh nợ gốc, giãn nợ, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các DN vay vốn lưu động”, ông Hoài nói.

Kiến nghị miễn, giảm thuế

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các DN thành viên, mới đây đơn vị đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan gia hạn khoanh nợ đối với các công ty vận tải biển như: Vosco, Vinaship từ ngày 1/7/2019 đến 30/6/2024; Có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường mua bán nợ các khoản nợ tài trợ mua/đóng tàu của các DN thành viên trực thuộc Vinalines.

“Vinalines cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ các DN cảng biển và dịch vụ hàng hải như: Miễn giảm thuế, giảm giá hoặc không tăng tiền thuê đất hàng năm để DN có nguồn lực vực dậy sau đại dịch Covid-19”, lãnh đạo Vinalines nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.