Quản lý

Hàng hải “tuýt còi” chủ tàu giữ giấy tờ gốc của thuyền viên sai quy định

21/09/2020, 15:00

Cục Hàng hải VN đề nghị người sử dụng thuyền viên không giữ giấy tờ, chứng chỉ gốc của thuyền viên khi có tranh chấp hợp đồng lao động.

img
Cục Hàng hải VN yêu cầu các chủ tàu, tổ chức quản lý, cung ứng thuyền viên thực hiện nghiêm hợp đồng lao động với thuyền viên theo đúng quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam - Ảnh minh họa

Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian gần đây nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc chủ tàu giữ giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn gốc của thuyền viên khi có tranh chấp hợp đồng lao động giữa hai bên. Đây là hành vi vi phạm quy định tại Luật Lao động năm 2012.

Đối với trường hợp này, người sử dụng lao động sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 28/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại văn bản gửi các công ty vận tải biển, tổ chức quản lý, cung ứng thuyền viên, hiệp hội chủ tàu và các cảng vụ, Cục Hàng hải VN cho biết, việc chủ tàu, tổ chức quản lý thuyền viên không thực hiện khai báo rời tàu cho thuyền viên bằng phương thức điện tử vào cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên khi thuyền viên không còn làm việc trên tàu là vi phạm quy định tại Thông tư số 23/2017 của Bộ GTVT. Vi phạm này sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 142/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Trước thực trạng nêu trên, Cục Hàng hải VN yêu cầu các cảng vụ tăng cường kiểm tra việc khai báo ngày xuống, rời tàu và bố trí chức danh thuyền viên trên tàu biển Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định (trong đó, có nội dung thuyền viên đã rời tàu nhưng vẫn được khai báo trong danh sách thuyền viên của tàu trong cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên).

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 28/2020 của Chính phủ, trường hợp giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng và buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động.

Đối với hành vi không ghi hoặc ghi không đầy đủ thông tin trong sổ thuyền viên hoặc không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ thông tin vào cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải VN theo quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng (căn cứ Điều 42, Nghị định 142/2017 của Chính phủ).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.