Thị trường

Hàng hóa sau Tết tăng giá chóng mặt

25/02/2015, 07:08

Sau Tết, các thực phẩm tươi sống, trái cây, rau củ và thực đơn tại nhiều quán ăn ở Hà Nội

42
Trái cây tăng giá chóng mặt

Hàng ế ẩm, giá cao ngất

Tại Hà Nội, 8h ngày mùng 6 Tết, bà Hoàng (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) giật mình khi tới chợ Cổ Nhuế, thấy nhiều mặt hàng có giá bán tăng vọt như: Thịt nạc thăn, nạc mông, ba chỉ 110 nghìn đồng/kg (tăng 20 nghìn đồng); Sườn thăn 150 nghìn đồng/kg (tăng 50 nghìn đồng); Cá diêu hồng 110 nghìn đồng/kg (tăng 50 nghìn đồng); Cá chép 80 nghìn đồng/kg (tăng 20 nghìn đồng); Rau cần 8 nghìn đồng/bó (tăng 4 nghìn đồng)... “Người đi chợ đếm trên đầu ngón tay, các quầy ê hề hàng hóa, mà giá bán vẫn đắt đỏ”, bà Hoàng than.

Tại các siêu thị Big C, Vin Mart, Fivi Mart, Metro... giá bán các loại hàng hóa vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn giảm giá nhờ chương trình khuyến mãi. Như tại siêu thị Vin Mart trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội), đang có chương trình giảm giá từ ngày 23/2-1/3, nhiều sản phẩm tươi sống được bán với giá ưu đãi, giảm 10-25% như: Thịt nạc xay sẵn giá 86,9 nghìn đồng/kg; Cá chim trắng biển giá 129,9 nghìn đồng/kg... Tại siêu thị Metro Thăng Long, cá thu nguyên con giá 129 nghìn đồng/kg; Ngao trắng 14,9 nghìn đồng/kg; Cua bể 260-280 nghìn đồng/kg...

Tại chợ Dịch Vọng, tới ngày mùng 6 Tết (24/2), đã có non nửa quầy hàng mở cửa trở lại, nhưng giá bán vẫn cao hơn từ 30-100% ngày thường. Chị Hoài, tiểu thương bán rau cho biết, các loại rau củ còn tồn trước Tết như khoai tây, cà rốt, bí xanh... thì vẫn giữ giá; Còn những loại rau củ nhập mới ngày hôm nay thì giá bán gấp đôi ngày thường như súp lơ xanh 20 nghìn đồng/cây; Cải ngọt 24 nghìn đồng/kg; Rau muống, rau cần 10 nghìn đồng/bó; Su hào 3-4 nghìn đồng/củ... “Rau sau Tết khan hiếm, người trồng rau còn phải nghỉ Tết nên giá cao là đương nhiên”, chị Hoài nói.

Tại chợ Thành Công, tới 9h ngày 24/2, các quầy thịt, cá, gà... vẫn đầy ắp hàng hóa, lượng người mua thưa thớt. Tuy nhiên, giá bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả vẫn tăng vọt. Hiện giá thịt bò thăn là 340 nghìn đồng/kg (tăng 60 nghìn đồng); Tôm sú 350-450 nghìn đồng/kg (tăng 70 nghìn đồng); Cam canh 150-170 nghìn đồng/kg (tăng gấp đôi)... “Hiện nhiều mối cung cấp thịt bò, hải sản vẫn chưa đưa hàng trở lại sau Tết. Phải độ chục ngày nữa, giá hàng hóa mới về mức bình thường”, một người bán hàng cho hay.

Tại các quán hàng ăn, giá bán cũng tăng vọt sau Tết. Anh Tuấn (ở Mai Dịch, Cầu Giấy) cho hay, sáng mùng 6 Tết, quán ăn sáng quen thuộc của anh trên đường Mai Dịch, đối diện cổng trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh đột ngột nâng giá bát bún cá lên 40 nghìn đồng/bát, gấp đôi ngày thường. Chị Huệ (Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cũng cho biết, sáng mùng 6 Tết, một ly cà phê ở Nghĩa Tân được tính giá 40 nghìn đồng (tăng 10 nghìn đồng) với lý do “phải trả tiền nguyên liệu, nhân viên phục vụ theo giá Tết”.

Tiểu thương tự đẩy giá, đua sức “chặt chém”

Sáng 24/2, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại chợ Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh, các mặt hàng rau củ quả tăng từ 50-100% so ngày thường. Cà chua tăng gấp đôi tới 30 nghìn đồng/kg; Khổ qua 20 nghìn đồng/kg (tăng 10 nghìn đồng), bắp cải Đà Lạt 30 nghìn đồng/kg (tăng 15 nghìn đồng)…

Mặt hàng thủy sản như: Tôm, mực giá cũng tăng từ 50-70 nghìn đồng/kg. Tôm sú, ngày thường là 250-270 nghìn đồng/kg nhưng giá sau Tết là 420 nghìn đồng/kg. Chị Hoa, tiểu thương chợ Phước Long B, quận 9 cho biết: “Do tâm lý của người tiêu dùng đã ngán ăn thịt, giò chả, sau Tết chỉ thích mua rau củ, tôm, mực, nghêu, sò… nên tiểu thương có cơ hội bán giá cao để kiếm lời”.

Còn tại các chợ ngoại thành như Thủ Đức, quận 9, chợ Phạm Văn Hai (Q Tân Bình) giá thực phẩm tăng “vô tội vạ”. Bác Thu, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai cho biết, giá thực phẩm tăng sau Tết là do các tiểu thương vẫn đang nghỉ Tết và nguồn hàng ít. Thấy mặt hàng nào bán chạy nhưng nguồn cung hiếm là các tiểu thương tự đẩy giá lên cao. Chẳng hạn, súp lơ xanh có giá 45 nghìn đồng/kg (tăng 25 nghìn đồng), quýt Thái 70 nghìn đồng/kg (tăng 35 nghìn đồng), na 80 nghìn đồng/kg (tăng 30 nghìn đồng)…

Do nhu cầu không cao nên giá thịt lợn, gà tăng ít hơn các mặt hàng khác. Thịt ba chỉ ở chợ Bến Thành là 150 nghìn đồng/kg (tăng 30 nghìn đồng); Chân giò ở chợ Phước Bình (quận 9) là 100 nghìn đồng/kg (tăng 20 nghìn đồng).

Những ngày sau Tết, khách tới các quán phở, hủ tiếu trên đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), mặc dù bên ngoài biển hiệu ghi giá 25 nghìn đồng/tô nhưng chủ hàng vẫn thu 30-35 nghìn đồng/tô. Tại cửa hàng cơm tấm gần trường Tiểu học Trương Văn Thành, ngày thường chỉ 14 nghìn đồng/đĩa nhưng ngày mùng 6 Tết, giá bán lên tới 26 nghìn đồng/đĩa.

“Ngày Tết, các cửa hàng đều tăng giá, nhất là các hàng ăn bán cho học sinh vì các chủ hàng cho rằng năm mới các em có nhiều tiền “lì xì”, bà Tám, bán bánh bao ở cổng trường THCS Phước Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.