Thị trường

Hàng hóa Tết dồi dào, khó tăng giá đột biến

30/12/2020, 06:30

Trong khi các DN sản xuất hàng Tết dè dặt cầm chừng thì nguồn cung lại khá dồi dào, các siêu thị “chạy” đua với chiến dịch khuyến mại...

img

Đại diện hệ thống các siêu thị khẳng định “nguồn cung dồi dào, không lo sốt giá” trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Tạ Hải

Nguồn cung dồi dào dù sản xuất cầm chừng

Khác với kế hoạch hàng năm, bà Vũ Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm nông sản Hà Liên, chuyên cung cấp miến dong cho các hệ thống siêu thị chia sẻ, do sức mua giảm mạnh trong những tháng qua nên công ty đã quyết định khống chế sản lượng dưới 20 tấn, giảm khoảng 10% so với Tết Canh Tý.

“Miến dong là mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn còn trữ từ thời điểm cách ly xã hội. Mặt khác, xu hướng năm nay người dân sẽ tiết kiệm nên tiêu dùng giảm là xu hướng chung”, bà Liên lý giải và cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bột để có thể tăng cường sản xuất bất cứ lúc nào nếu cần chứ chắc chắn sẽ không sản xuất đại trà khi dịch Covid-19 vẫn là mối lo thấp thỏm mỗi ngày”.

Chỉ sản xuất bằng 80 - 85% sản lượng so với năm trước, chủ một công ty bánh kẹo lớn tại Hoài Đức (Hà Nội) cho hay, sức mua năm nay giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 nên dù là mặt hàng được phủ sóng trên hầu hết các siêu thị lớn như BigC, Lotte, Aeon… thì công ty cũng phải sản xuất dè chừng.

“Giá nguyên liệu tăng nhưng giá bán lại không thể tăng theo. Muốn bán được hàng phải giảm tối đa chi phí để giữ giá thành, dù phải giảm lợi nhuận”, vị này chia sẻ.

Trong khi đó, các đơn vị phân phối vẫn khẳng định lượng dự trữ hàng Tết năm nay tương đương năm ngoái, thậm chí nhiều mặt hàng còn cao hơn.

Cụ thể, đại diện hệ thống siêu thị Big C/GO cho biết, bộ phận thu mua đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung ứng thịt lợn tăng khoảng 20%, thịt gia cầm tăng 25% so với Tết năm 2020. Trong bối cảnh “cắt giảm chi tiêu”, bên cạnh giỏ quà Tết hạng sang, BigC/GO cũng bày bán hàng bình dân từ 99 - 300 nghìn đồng/giỏ.

Tổng giám đốc TCT Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết, đơn vị đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ đồng, tương đương với mức hàng hóa Tết năm 2020. Trong đó có 8 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường đạt khoảng 200 tỷ đồng với 12 điểm bán ở 8 siêu thị, 3 cửa hàng tiện ích, 1 cửa hàng chuyên doanh gạo.

Nhận định với sức mua và nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song Hapro vẫn đặt chỉ tiêu tổng doanh thu bán hàng Tết năm nay đạt mức tương đương so với Tết Canh Tý.

Tương tự, đại diện Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart) cho biết, tổng giá trị hàng hóa Tết đã dự trữ lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với dịp Tết Canh Tý.

“Năm nay, chúng tôi ưu tiên dự trữ 9 nhóm hàng bình ổn, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, đặc sản Tết. Cụ thể, các chương trình khuyến mại áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và cam kết không tăng giá bán dịp Tết với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh như: Bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang… , đại diện Saigon Co.op thông tin.

Dự chi hơn 7 nghìn tỷ đồng bình ổn giá cả dịp Tết

Chia sẻ về tình hình cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhu cầu mua sắm ước tính sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng; tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Đồng thời kiểm tra các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…
Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương)


Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

“Mặc dù lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết tăng nhưng mức tăng sẽ không lớn như mọi năm. Mặt khác, nguồn cung hàng hóa cũng khá phong phú do tình hình sản xuất, chăn nuôi thuận lợi hơn. Do đó, thị trường hàng hóa sẽ ổn định, khó xảy ra hiện tượng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến”, bà Lan nhận định.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông dự báo, sức mua thị trường sẽ tăng từ 15 - 20%, không có biến động lớn về giá.

“Sức mua tăng được hỗ trợ bởi niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng”, ông Đông nói.

Riêng tại các chợ dân sinh, ông Đông cho rằng, vào những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, do có sự đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định sẽ góp phần kiềm chế mức giá chung tại các chợ này.

“Đến nay, có 33/63 tỉnh thành có kế hoạch dự trữ bình ổn thị trường với khoản dự chi khoảng 7.132 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá”, ông Đông thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.