Thế giới giao thông

Hàng không Ấn Độ thiếu 1/3 nhân viên không lưu

24/08/2016, 14:05

Ấn Độ vừa xây dựng thêm tháp kiểm soát không lưu trị giá 50 triệu USD tại Thủ đô New Delhi.

An Do
Ấn Độ đang thiếu nhân viên kiểm soát không lưu một cách trầm trọng

Ấn Độ vừa xây dựng thêm tháp kiểm soát không lưu trị giá 50 triệu USD tại Thủ đô New Delhi nhưng đang đứng trước thách thức không có nhân sự để điều hành?

Khủng hoảng thiếu nhân sự trầm trọng

Tháp kiểm soát không lưu mới do Công ty Thiết kế HOK - đơn vị thiết kế trụ sở nghiên cứu của Tập đoàn Apple tại California (Mỹ) thiết kế. Dự kiến, tòa tháp sẽ được đưa vào sử dụng trong 6 tháng tới, với hy vọng tăng cường kiểm soát không lưu, tạo thuận lợi cho các chuyến bay cất/hạ cánh an toàn trong bối cảnh Hàng không Ấn Độ phát triển chóng mặt. Tuy nhiên, ngành Hàng không nước này đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thiếu kiểm soát viên không lưu phụ trách tháp.

Hiện, thị trường hàng không rộng lớn và phát triển nhất thế giới đang “khát” kiểm soát viên không lưu. Còn Ấn Độ ước tính thiếu khoảng 1/3 lượng kiểm soát viên không lưu cần thiết. Chẳng hạn, sân bay bận rộn nhất Ấn Độ Mumbai cần 600 kỹ thuật viên để hoạt động ổn định nhưng con số thực tế chỉ có 360 người. Nguyên nhân thiếu hụt phần lớn do kiểm soát viên lành nghề không muốn làm việc với Cơ quan Quản lý sân bay Ấn Độ vì lương khởi điểm rất thấp với mức khoảng 250 USD/tháng. Thay vào đó, họ chọn những công việc lương cao hơn tại các hãng hàng không tư nhân.

Nếu tình trạng không được cải thiện, sự thiếu hụt nhân sự kiểm soát không lưu sẽ đẩy hàng không Ấn Độ vào khủng hoảng. Bởi, hiện nay, nhiều hãng hàng không giá rẻ đang có kế hoạch đưa thêm hàng trăm máy bay mới vào khai thác. Nhà sản xuất máy bay Boeing ước tính, Ấn Độ cần 1.850 máy bay trong hai thập kỷ tới khi lượng người đi lại bằng đường hàng không đạt ngưỡng 7 tỉ. Hiện nay, các hãng hàng không Ấn Độ đang đặt hàng ít nhất 709 máy bay. Ngoài ra, vấn đề này còn là thách thức đối với các chương trình đầy tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi để kết nối các thị trấn với làng quê bằng đường hàng không.

Hiểm họa an toàn

Thiếu hụt nhân lực đồng nghĩa nhân viên đài kiểm soát không lưu phải làm việc quá tải. Theo cựu phi công lái máy bay thương mại, nhà tư vấn an toàn hàng không độc lập có trụ sở tại Chenai - Mohan Ranganathan, để đội ngũ kiểm soát viên không lưu làm việc quá sức là vi phạm quy định an toàn hàng không và là mối nguy đối với an toàn bay.

Trước đó, năm 2014, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) từng hạ bậc an toàn của Hàng không Ấn Độ ngang hàng Zimbabwe. FAA cho rằng, ngành Hàng không lớn nước này không thể đáp ứng đủ nhân sự cần thiết để đảm bảo hoạt động bay được an toàn; quy trình giám sát hoạt động bay của Ấn Độ không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Một năm sau, nhờ các biện pháp đúng đắn để cải thiện vấn đề thiếu hụt, hàng không Ấn Độ đã phục hồi được thứ hạng.

Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới cho biết: Vấn đề thiếu hụt kiểm soát viên không lưu không chỉ có tại Ấn Độ; tính đến năm 2030, thế giới cần thêm 40 nghìn nhân viên kiểm soát không lưu. Đặc biệt, tại châu Á, thị trường hàng không đang phát triển chóng mặt, sẽ cần hơn 1.000 nhân viên kiểm soát không lưu/năm.

Dù vậy, vấn đề thiếu hụt nhân viên kiểm soát không lưu chưa dừng lại, thậm chí trở nên cấp thiết trong vài năm tới khi các hãng hàng không Ấn Độ mua thêm máy bay. “Đây là sự thiếu kết nối nghiêm trọng giữa cơ sở hạ tầng cùng nhân lực và những kế hoạch phát triển mà Chính phủ đặt ra”, Giám đốc Điều hành Trung tâm Hàng không CAPA trụ sở tại Sydney (Australia), ông Kapil Kaul cho biết.

Tạm thời, một số sân bay đang thử nghiệm “tháp từ xa” sử dụng công nghệ cảm biến và camera, cho phép các nhân viên kiểm soát không lưu có thể điều khiển hoạt động từ cách xa hàng trăm km. Công nghệ này đủ nhạy cảm để phát hiện sương mù, động vật hoang dã trên đường băng. Hơn nữa, chi phí áp dụng công nghệ này sẽ tiết kiệm hơn thuê nhân viên, nhưng chỉ có thể áp dụng tại các sân bay xa và nhỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.