Quản lý

Hàng không “đảo chiều” hậu Covid-19, Bộ GTVT đề nghị tạm dừng lập hãng mới

14/05/2020, 20:26

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét việc thành lập hãng hàng không mới sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi.

img
Tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019

Vận tải cả năm 2020 bằng một nửa dự báo

Bộ GTVT vừa báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng việc rà soát, xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Bộ GTVT đã có Công văn số 10376 góp ý với hồ sơ Dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của CTCP Hàng không Thiên Minh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Hãng hàng không Colombia Avianca vừa đệ đơn xin phá sản lên tòa án Southern District tại New York. Hãng bay này cho rằng sự sụp đổ trên do tác động không thể lường trước của đại dịch Covid-19.

Được thành lập năm 1919, Avianca là hãng hàng không lâu đời thứ nhì thế giới còn hoạt động. Tính đến cuối năm ngoái, đây là hãng bay lớn thứ ba tại Mỹ Latinh về thị phần.

Trong đó Bộ GTVT đã đánh giá giai đoạn 2014 - 2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.

Năm 2018, tổng thị trường vận tải đạt xấp xỉ 70 triệu khách (tăng 12,6% so năm 2017) và 1,2 triệu tấn hàng hóa (tăng 7,2% so năm 2017), tăng tương ứng 2,1 lần và 1,64 lần so với năm 2014.

Hệ số sử dụng ghế trung bình của các hãng hàng không Việt Nam cũng rất cao, ở mức trên 84% vào năm 2018 và trên 80% giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019. Dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 60 triệu khách vào năm 2020 và đạt xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025.

Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách này, số lượng tàu bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 tàu bay vào năm 2020 và 384 tàu bay vào năm 2025.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng.

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa mất 25 triệu việc làm trong lĩnh vực hàng không. IATA kêu gọi Chính phủ các nước có các biện pháp khẩn cấp để trợ giúp các hãng hàng không tồn tại, bảo vệ việc làm cho người lao động.

Đối với Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% so với dự báo nêu trên. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo.

Các hãng khốn khó xoay sở

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh giảm mạnh, có lúc đến 98%, vận tải hành khách ngưng trệ, hãng này đã phải chuyển hướng sang vận tải hàng hoá. Doanh thu từ tăng chuyến chở hàng hóa dự kiến đạt hơn 34,5 triệu USD (tương đương 800 tỷ đồng). Khoản thu này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.

Cao điểm từ tháng 4 đến tháng 6, toàn bộ lãnh đạo của Vietnam Airlines từ cấp ban trở lên đi làm việc đầy đủ nhưng không hưởng lương. Cán bộ cấp phòng chỉ hưởng lương tương đương tối thiểu vùng. 75 - 80% lao động gián tiếp tạm ngừng việc, những lao động còn lại đi làm chỉ hưởng lương chức danh.

Hãng bay tư nhân Vietjet cũng phải mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát hành thẻ bay Power Pass, tung các chương trình khuyến mãi để kích cầu…

Ngoài ra, hãng Vietjet đã được Cục Hàng không VN cấp phép và bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, giảm chi phí, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Đại diện Bamboo Airways cho biết, trong khó khăn, hãng đã xây dựng và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như mua một vé tặng hai vé, thẻ đa năng Bamboo Pass bay không giới hạn...

Về mạng bay, Bamboo Airways tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM với các địa phương để bù đắp sản lượng trên các chặng quốc tế đang dừng hoạt động như Hàn Quốc, Đài Loan, Séc. Hãng cũng sẽ tái xúc tiến, xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đang bị tạm hoãn.

Kiến nghị xem xét lập hãng mới sau năm 2022

Cũng theo Bộ GTVT, đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo trước đó. Trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo đã báo cáo.

Như vậy, theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.

Hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 tàu bay nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.

Trên cơ sở các đánh giá nêu trên, nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới, Bộ GTVT kiến nghị trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.