Thế giới giao thông

Hàng không Indonesia thăng hạng an toàn để được bay tới Mỹ

27/09/2016, 07:25
image

Hàng không Indonesia đứng trước thách thức mới khi vừa được nâng hạng an toàn và được phép mở đường bay tới Mỹ.

1 Hàng không Indonesia được nâng lên ‘Hạng
Hàng không Indonesia được nâng lên "Hạng mục 1" - thang xếp hạng cao nhất về mức an toàn sau gần một thập niên

Tỷ lệ tử vong trong tai nạn hàng không gấp 25 lần Mỹ

Sự an toàn của ngành công nghiệp hàng không Indonesia thực sự là một nỗi “ám ảnh” với dư luận. Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2001 cho đến 2015, có ít nhất 40 vụ tai nạn hàng không thuộc các hãng hàng không của Indonesia dẫn đến những thương vong đáng tiếc, theo Telegraph.

Tờ New York Times dẫn báo cáo của Liên hợp quốc cho hay, chỉ 61% các hãng hàng không ở Indonesia “đủ điều kiện bay”, đứng sau cả Lào và Myanmar. Tạp chí National Interest còn bình luận: “Chẳng hiểu nổi tại sao Indonesia lại có một “lịch sử tai nạn máy bay” khủng khiếp đến vậy! An toàn hàng không của Indonesia chỉ ngang với các nước nghèo và bị chiến tranh tàn phá như Yemen, Somalia hay Afghanistan” và kém xa các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore và Philippines. Hãng hàng không Adam Air của Indonesia thậm chí phải đóng cửa vì bị tai nạn liên tục những năm gần đây”. Còn Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) xếp Indonesia là một trong những quốc gia có ngành Hàng không… kém an toàn nhất thế giới.

Đây chính là lý do vì sao Mỹ “cấm cửa” hàng không Indonesia suốt gần một thập niên qua. Trong bài viết mang tựa đề “Hàng không Indonesia nguy hiểm như thế nào?”, tờ Telegraph dẫn bình luận của Arnold Bernett, một nhà thống kê về an toàn hàng không: Tỷ lệ tử vong trong tai nạn hàng không ở Indonesia là 1/1.000.000 hành khách - tức là gấp 25 lần Mỹ. “Thật lố bịch nếu nói rằng tỉ lệ khủng khiếp này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay may rủi”, Arnold Barnett nói. Không chỉ Mỹ, Indonesia còn là một trong 59 quốc gia bị cấm bay trong không phận EU.

Thách thức và tốn kém

Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2016, hàng không Indonesia được cấp phép bay thẳng đến Mỹ, sau các thủ tục rà soát an toàn. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết, Indonesia được nâng lên “Hạng mục 1” - thang xếp hạng cao nhất về mức an toàn sau gần một thập niên. Liên minh châu Âu gần đây cũng dỡ bỏ lệnh cấm bay với ba hãng hàng không nước này.

Sau khi xem xét vào tháng 3, Indonesia hiện đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), FAA cho biết trong một tuyên bố. “Với việc đánh giá an toàn hàng không quốc tế (IASA) và xếp Hạng 1, các hãng hàng không Indonesia có thể triển khai dịch vụ bay sang Mỹ và có thể bay liên danh với các hãng hàng không Mỹ”, FAA cho biết.

Hãng hàng không quốc gia là Garuda Indonesia có thể bay đến Mỹ vào năm tới và khai thác dịch vụ mới từ Thủ đô Jakarta đến New York hoặc Los Angeles. Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng thâm nhập thị trường Mỹ sẽ là một quyết định thách thức và có thể tốn kém. “Đó sẽ là một khoản đầu tư rất lớn và rủi ro tại thời điểm Garuda đang gặp khó khăn với các hoạt động kinh doanh quốc tế của mình,” Brendan Sobie từ Trung tâm Hàng không châu Á-Thái Bình Dương nói với BBC.

Ông Suprasetyo, quan chức Hàng không Indonesia thì như trút được gánh nặng khi trả lời báo giới: “Đây là một thành công mà chúng ta đã chờ đợi từ năm 2007. Một số hãng hàng không của chúng ta đã sẵn sàng khai thác du lịch sang Mỹ”.

Siết chặt an toàn

Để được thăng hạng, Indonesia đã có những bước đi cụ thể để cải thiện an toàn, nhằm trấn an người dân tiếp tục sử dụng các dịch vụ bay, tăng khách du lịch. Jakarta đang lên kế hoạch tăng lương cho quản lý sân bay, kiểm soát không lưu và kiểm soát viên an toàn bay. Jakarta Post dẫn thông tin cho hay, mức lương thực tế của một phi công hãng hàng không giá rẻ Lion Air là khoảng 4.715 USD/tháng, trong khi mức lương tối thiểu ở Jakarta năm 2015 là 205 USD.

Đồng thời, Indonesia phải đảm bảo các phi công luôn làm việc trong trạng thái tỉnh táo, được nghỉ ngơi đầy đủ. Theo quy định, giới hạn giờ làm việc của phi công là 9 giờ/ngày và khoảng 30 giờ/tuần, trong đó phải được nghỉ 9 giờ liên tiếp giữa hai chuyến bay. Trước đó, Eki Adriansjah, người từng làm việc cho Lion Air 10 năm phàn nàn rằng, các phi công thường xuyên chỉ được nghỉ 6 tiếng giữa hai ngày làm việc, thậm chí phải bay 8 ngày liên tiếp, dẫn đến mệt mỏi. Chính vì vấn đề này mà Lion Air từng bị phạt.

Từ năm 2015, Indonesia có một cải tiến tích cực bằng cách bắt buộc mọi phi công phải tham dự một cuộc họp ngắn với kiểm soát không lưu trước mỗi chuyến bay. Nội dung cuộc giao ban sẽ bao gồm tình hình thời tiết, tuyến đường bay và mọi vấn đề khác. Ngoài ra, tăng cường rà soát phản ứng của các phi công với ma túy và rượu, nhằm đảm bảo an toàn bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.