Thế giới giao thông

Hàng không khốn khổ vì lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump

06/02/2017, 06:12
image

Các hãng hàng không trên thế giới không được cho phép hành khách có liên quan lên máy bay tới Mỹ.

1

Biểu tình tại sân bay Chicago O"Hare.

Sắc lệnh ngừng chương trình tị nạn và cấm công dân 7 nước Trung Đông nhập cảnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào cuối tháng 1 vừa qua gây ra hỗn loạn và tổn thất không nhỏ cho hành khách và các hãng hàng không nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Gây khó khăn và tổn thất cho hãng hàng không

Vì sắc lệnh ngừng chương trình tị nạn và cấm công dân 7 nước Trung Đông (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Sudan, và Yemen) nhập cảnh, các hãng hàng không trên thế giới không được cho phép hành khách có liên quan lên máy bay tới Mỹ, nếu vi phạm, các hãng sẽ bị phạt 3.000 USD/khách không đủ tiêu chuẩn. Hãng Air France (Pháp) có 15 hành khách bị ảnh hưởng; hãng KLM (Hà Lan) có 7 hành khách không thể bay tới Mỹ.

Hãng hàng không Lufthansa (Đức) phải áp dụng chính sách cho phép những khách hàng bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này được miễn phí đặt lại vé hoặc hoàn lại toàn bộ tiền vé. Hãng hàng không Trung Đông Emirates còn phải thay thế một số nhân viên phục vụ trên máy bay để tuân thủ sắc lệnh bất ngờ này. Ngoài ra, khoảng 30 sân bay tại Mỹ rối loạn vì biểu tình phản đối sắc lệnh trong nhiều ngày liền.

Xem thêm video:

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, sắc lệnh nhập cư “đặt gánh nặng lên các hãng hàng không phải tuân thủ quy định không rõ ràng” cũng như chi phí thực hiện và tiền phạt. IATA muốn chính quyền Mỹ phải làm rõ sự việc. “Chúng tôi kêu gọi tất cả Chính phủ tăng cường hợp tác khi thay đổi yêu cầu nhập cảnh để hành khách có thể hiểu rõ ràng và các hãng hàng không có thể thi hành hiệu quả”, IATA kêu gọi.

Thậm chí, hàng không, hệ thống hải quan của Mỹ tại sân bay… tiếp tục chìm vào hỗn loạn hơn nữa khi Thẩm phán khu vực James Robart ra quyết định tạm thời ngừng việc cấm nhập cảnh đối với công dân 7 nước Trung Đông. Theo phán quyết này, ngày 4/2, Cơ quan An ninh Nội địa thông báo ngừng thực thi sắc lệnh di trú và sẽ áp dụng lại các tiêu chuẩn kiểm tra hành khách như trước khi có sắc lệnh. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông báo khẩn cho phép tất cả công dân 7 nước Hồi giáo có quyền vào Mỹ miễn là visa còn hiệu lực. Các hãng hàng không cũng được thông báo cho phép hành khách đến từ 7 nước Trung Đông này lên máy bay tới Mỹ. Tuy nhiên, ngày 5/2, Bộ Tư pháp tuyên bố kháng cáo phán quyết của thẩm phán James Robart, đẩy các cơ quan thực thi pháp luật và hãng hàng không vào mớ bòng bong, chuẩn bị tâm lý tiếp tục phải thay đổi bất cứ lúc nào.

Dễ mất thẻ xanh như chơi

Trong mớ hỗn loạn vì sắc lệnh tị nạn, nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số luật sư còn phát hiện ra nhiều người di chuyển bằng đường hàng không vốn là cư dân thường trú dài hạn (được cấp thẻ xanh loại dài hạn) ở Mỹ bị các cơ quan chức năng tại sân bay ép phải ký đơn từ bỏ tình trạng này như một yêu cầu để qua cửa hải quan vào Mỹ. Thẻ xanh là một loại thẻ quan trọng được cấp cho cư dân thường trú, cho phép họ rời đi và quay trở lại Mỹ; được duy trì tình trạng này chừng nào không vi phạm pháp luật.

2d

Mẫu đơn I-407.

Tờ Bloomberg dẫn lời luật sư nhập cư Rachel Odio cho biết, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh nhập cư, mẫu đơn chính thức dùng để khai báo từ bỏ tình trạng cư dân thường trú hợp pháp tại Mỹ mang tên I-407 đã được phát trên nhiều chuyến bay trước khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Los Angeles (LAX).

Một số hành khách khác nhìn thấy mẫu đơn I-407 sau khi bị nhân viên cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) tạm giữ tại sân bay. Mặc dù, Bloomberg đã gửi nhiều yêu cầu bình luận về sự việc trên, cơ quan CBP vẫn không hồi đáp.

Theo Bloomberg, nhiều hành khách phải ký đơn “dưới sự cưỡng chế” trong các phòng tách biệt tại sân bay, không được tiếp cận với gia đình, luật sư đại diện, thậm chí là nước uống và thực phẩm. Luật sư Odio tức giận nói: “Quá vô lý. Không có cơ sở pháp lý nào cho hành động đó”. Theo cô, chắc chắn “hành khách đã ký mà không hề đồng thuận với mẫu đơn đó”.

Đài Phát thanh Southern California Public Radio (SCPR) cũng dẫn lời một luật sư tư nhân có mặt tại sân bay LAX để giúp đỡ những hành khách bị tạm giữ vì sắc lệnh cho biết, nhiều hành khách bị nhân viên hải quan tạm giữ và đưa mẫu đơn I-407 ra trước mặt, ép ký, từ bỏ tình trạng cư dân.

Nếu hành khách lơ ngơ không biết hoặc bị ép buộc ký vào tờ đơn này, họ được coi như từ bỏ quyền cư dân thường trú dài hạn hợp pháp tại Mỹ trong khi không hề biết và không mong muốn, gây bất tiện và khó khăn trong cuộc sống cũng như việc xin cấp lại thẻ xanh trở thành công dân thường trú dài hạn sau này.

“Tôi không biết tại sao Chính phủ lại cố tình muốn những người đó ký vào đơn từ bỏ tình trạng thường trú hợp pháp. Phải chăng họ muốn giảm số lượng người đến từ 7 nước Trung Đông thường trú tại Mỹ. Thật đáng sợ!”, cô Odio chia sẻ.

Còn luật sư về nhập cư Jan Bejar cho biết, sau hơn 30 năm hành nghề này ông chưa bao giờ chứng kiến tình trạng ép buộc ký đơn I-407 như vậy. Theo luật Mỹ, trong một số trường hợp như cư dân có thẻ xanh loại dài hạn rời khỏi Mỹ một thời gian dài (trên 6 tháng), các quan chức hải quan sẽ yêu cầu cư dân này ký đơn I-407 nhưng phải nói rõ hậu quả cũng như có bằng chứng chứng minh họ đã rời khỏi Mỹ quá thời gian quy định hoặc vi phạm quy định pháp luật.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.