Thế giới

Hàng không Mỹ cầu cứu ông Donald Trump

16/11/2016, 06:24
image

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump từng là giám đốc điều hành một hãng hàng không.

Donald Trump mau
Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên sở hữu riêng một hãng hàng không

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump từng là giám đốc điều hành một hãng hàng không. Bởi thế, các hãng hàng không kỳ vọng khi nhậm chức, ông sẽ có những quyết sách và thay đổi đối với ngành Hàng không Mỹ đang đối mặt nhiều bế tắc.

Kỳ vọng “làn gió mới” từ ông Trump

Ngành Hàng không trị giá hàng tỷ USD, chiếm thị phần không nhỏ trong nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề cần ưu tiên, nhưng bế tắc dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Những bế tắc này, một phần vì chính trị (do Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ chia rẽ trong Quốc hội dẫn đến xung đột quan điểm, mất thời gian khi thông qua một quyết sách).

Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử, liên minh Đối tác các Bầu trời mở và Công bằng (The Partnership for Open & Fair Skies) gửi thông điệp kêu gọi ông Trump chống lại các hãng hàng không Vùng vịnh.

Cụ thể, ngày 10/11, Bloomberg dẫn lời ông Jill Zuckman, người phát ngôn liên minh trên cho hay: “Chúng tôi mong chờ được thông báo ngắn gọn tới Tổng thống Donald Trump cùng chính quyền mới của ông về các khoản trợ cấp khổng lồ, không công bằng mà Chính phủ các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Qatar đang trao cho hãng hàng không Vùng vịnh thuộc quản lý Nhà nước. Các khoản trợ cấp này đe dọa cướp đi 300 nghìn việc làm của các nhân viên hàng không Mỹ. Chúng tôi hy vọng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chống lại hành vi này, thực thi các thỏa thuận thương mại và giành công việc về cho người Mỹ”.

Đối tác các Bầu trời mở và Công bằng là liên minh giữa Tập đoàn American Airlines, Delta Air Lines, Tập đoàn United Continental và nhiều công đoàn đại diện cho các tiếp viên hàng không và phi công Mỹ. Thỏa thuận bầu trời mở với hơn 100 quốc gia thành viên cho phép các hãng hàng không từ nhiều nước khác nhau có thể tiếp cận sân bay của các nước khác mà không cần Chính phủ nước đó phải can thiệp.

Tuy nhiên, tốc độ mở rộng toàn cầu của ba hãng hàng không đến từ hai nước Vùng vịnh (Etihad Airways, Qatar Airways và Emirates) quá nhanh đe dọa tới ba hãng hàng không lớn của Mỹ. Nếu thay đổi hiệp ước thỏa thuận quốc tế sẽ ảnh hưởng tới nhiều nước, trong đó có cả Mỹ nên các hãng hàng không chỉ muốn mở các cuộc đàm phán chính thức/không chính thức dưới sự hỗ trợ của Nhà Trắng cùng hai quốc gia Vùng vịnh để giành quyền nhượng bộ cho các hãng hàng không Mỹ. Ba hãng Delta, United, American Airlines đã vận động hành lang chính quyền Tổng thống Obama, yêu cầu bảo hộ nhưng không thành và giờ họ tìm tới “làn gió mới” Donald Trump.

Một vấn đề khác của ngành Hàng không Mỹ là cải thiện kiểm soát không lưu. Các hãng hàng không Mỹ (trừ Delta) vốn đề xuất lên Quốc hội chuyển đổi việc kiểm soát không lưu từ Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) sang cơ quan mới, phi lợi nhuận như hình thức đang áp dụng tại Canada. Mục đích kế hoạch nhằm tạo ra một tổ chức mới hiệu quả và ổn định về tài chính, thúc đẩy nhanh các chương trình hiện đại hóa không phận vốn bị trì trệ lâu nay, song Quốc hội không chấp nhận.

Đến nay, không chỉ ông Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa lên làm Tổng thống mà ngay cả Hạ viện và Thượng viện cũng do đảng này kiểm soát đa số. Mặt khác, Hạ nghị sĩ Bill Shuster vốn là Chủ tịch Ủy ban Hạ tầng và giao thông Hạ viện, có mối quan hệ thân thiết với các hãng hàng không đã tái đắc cử. Do đó, nhiều chuyên gia trong ngành Hàng không hy vọng các vấn đề của họ sớm được giải quyết nhanh gọn.

Đảng Cộng hòa có coi hàng không là ngành kinh doanh lợi nhuận?

Tuy vậy, hầu hết các chuyên gia cho rằng, rất khó có thể tiên lượng chính quyền tân Tổng thống Donald Trump sẽ giải quyết các vấn đề hàng không ở mức độ nào. “Có lẽ, chính quyền Đảng Cộng hòa không coi hàng không là ngành kinh doanh lợi nhuận như bạn cảm tưởng”, Seth Kaplan, đối tác quản lý Tạp chí Airline Weekly cho biết. Cũng theo ông này, Tổng thống Trump chưa có ý tưởng cụ thể nào trong cách giải quyết các vấn đề hàng không.

Ông Bob Rivkin, luật sư Chicago, từng làm việc tại Tập đoàn Delta Air Lines và Bộ Giao thông Mỹ cho biết, vẫn chưa rõ chính quyền Tổng thống Trump có nhìn nhận việc quản lý hàng không là ưu tiên hàng đầu hay không. “Mức ưu tiên và khả năng được Quốc hội thông qua thành luật là những điều ông Trump phải cân nhắc khi trước mắt có quá nhiều việc phải làm. Trong ngành Giao thông, sẽ có rất nhiều vấn đề có thể bị ảnh hưởng nhưng chính quyền ông Trump sẽ lọc bớt các vấn đề cần ưu tiên để giải quyết từ từ”, luật sư Bob nói.

Một vấn đề có thể bị chậm lại dưới thời Donald Trump là kế hoạch phát triển hàng không tới Cuba. Các hãng hàng không Mỹ - Cuba vừa mở lại đường bay, song đây chỉ là mối kinh doanh nhỏ so với tổng thể và có thể chưa mang lại lợi nhuận trong tương lai gần. Đồng thời, ông Trump vốn không có ý định tiếp nối các chính sách của ông Obama về mở rộng các mối quan hệ với Chính phủ Cuba. Do đó, nỗ lực dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận hơn 54 năm đối với Cuba, trong đó có du lịch (liên quan tới hàng không nói riêng và giao thông nói chung) có thể bị chậm lại - bà Charlie Leocha, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành nhận định.

Donald Trump là Tổng thống nước Mỹ đầu tiên sở hữu một hãng hàng không dù đây không phải thương vụ làm ăn thành công. Ông Trump mua hãng hàng không nợ đầm đìa Eastern Air Shuttle từ năm 1989 và chuyển đổi thành Trump Shuttle, sau đó chi tiền để nâng cấp nội thất máy bay.

Hãng hàng không này chuyển sang chuyên phục vụ các chuyến bay cao cấp, cung cấp các dịch vụ như trong khách sạn tới hành khách. Song sau đó, hãng hàng không này thua lỗ và nợ chồng chất. Hãng được sáp nhập về Tập đoàn Shuttle và dừng hoạt động vào năm 1992.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.