Thế giới giao thông

Hàng không Mỹ “đói” phi công

26/06/2017, 10:05

Mỹ đứng trước cảnh thiếu hụt phi công trầm trọng có thể gây cản trở tới sự phát triển của ngành Hàng không...

28

Mỹ cần 95.000 phi công để đáp ứng nhu cầu hàng không trong 20 năm tới

Mỹ đứng trước cảnh thiếu hụt phi công trầm trọng có thể gây cản trở tới sự phát triển của ngành Hàng không và khiến chi phí lao động tăng mạnh, đáng ngại hơn là nguy cơ ảnh hưởng đến cả an toàn bay. 

Thiếu hụt phi công 

Báo cáo “Dự đoán thị trường máy bay toàn cầu” của Công ty Tư vấn Oliver Wyman cho biết, số lượng máy bay thương mại đang phục vụ tại Mỹ sẽ tăng 7,7% trong 20 năm tới lên 8.067 chiếc. Ngoài ra, Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing ước tính các hãng hàng không của Mỹ cần khoảng 95.000 phi công trong 20 năm tới.  Tuy nhiên, trong 20 năm đó, nguồn cung phi công lái máy bay dân dụng thương mại chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu, tạp chí Forbes nhận định.

Chưa nói đến tương lai, nhiều năm trở lại đây, các hãng hàng không khu vực tại Mỹ đang “khát” phi công trầm trọng.

Thiếu phi công phục vụ trong các hãng hàng không khu vực đồng nghĩa hoạt động kinh doanh sa sút và lợi nhuận thấp. Phí máy bay sẽ cao hơn trong khi lượng tuyến lại bị hạn chế đẩy không ít hãng hàng không khu vực của Mỹ xuống bờ vực thẳm. Điển hình, Hãng hàng không Republic Airways đã nộp đơn phá sản vào năm 2016, trong đó nguyên nhân chính là do thiếu phi công và lợi nhuận thấp. 

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt phi công là tác nhân khiến các phi công phải làm tăng ca, không được nghỉ ngơi thỏa đáng dẫn đến mệt mỏi, khả năng cao uy hiếp an toàn bay. 

Quy định quá ngặt nghèo, lương thưởng thấp? 

Các công đoàn phi công tại Mỹ chỉ trích, lương thấp, phúc lợi hạn chế đối với các vị trí khởi điểm trong khi quy định đào tạo đối với phi công, cơ trưởng ngặt nghèo là nguyên nhân khiến thế hệ trẻ ngại theo đuổi ngành Hàng không. 

Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu và được các nhà hoạch định chính sách đến từ 191 nước thành viên chấp thuận, trong đó có quy định phi công cần phải có tối thiểu 250 giờ bay mới được cấp giấy phép phi công thương mại nhưng đó mới chỉ là tiêu chí để ứng viên có thể đảm nhận vị trí phi công phụ. Còn 1.500 giờ bay là yêu cầu tối thiểu để trở thành cơ trưởng, theo quy định của ICAO.

Không riêng Mỹ, ngành công nghiệp hàng không thương mại toàn cầu sẽ cần thêm 255.000 phi công tính đến năm 2027 để đáp ứng xu hướng phát triển nhanh chóng mặt. Đây là một trong những dự báo được đề cập tại báo cáo của công ty đào tạo phi công trên toàn thế giới - Tập đoàn CAE. Ngoài ra, lưu lượng hành khách trên toàn cầu tăng mạnh khiến quy mô ngành công nghiệp vận tải hàng không thương mại toàn cầu tăng lên gấp đôi trong 20 năm tới. Trong khi đó, hơn một nửa lượng phi công cần thiết còn chưa được bắt đầu đào tạo. Báo cáo viết: “Việc mở rộng số lượng máy bay và tỉ lệ phi công nghỉ việc cao đặt ra nhu cầu cần đào tạo thêm 180.000 phi công thành cơ trưởng, tăng cao so với hơn một thập kỷ trước”.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban đầu cũng quy chiếu theo quy định trên của ICAO nhưng sau đó đã nâng yêu cầu lên 1.500 giờ tối thiểu đối với phi công phụ sau vụ tai nạn của máy bay Colgan Air Flight 3407 khiến 50 người thiệt mạng vào năm 2009 được cho là do lỗi phi công. Hiện, Mỹ là nước duy nhất yêu cầu cơ phó phải có ít nhất 1.500 giờ bay trừ khi họ đã có kinh nghiệm lái máy bay trong quân đội hoặc đã tốt nghiệp những chương trình chuyên môn đặc biệt.

Quy định này được công đoàn phi công ủng hộ vì cho rằng, đây là cách để cải thiện an toàn hàng không. Tuy nhiên, các hãng hàng không khu vực và nhiều chuyên gia hàng không chỉ trích, quy định quá chặt chẽ không những không giúp tăng mức độ an toàn mà kéo dài thời gian và quá trình đào tạo khiến tình hình thiếu hụt phi công thêm trầm trọng.

Vì Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứa về việc cắt giảm các quy định chồng chéo, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Mesa Air, Jonanthan Ornstein cho rằng: “Chúng ta nên thực hiện cách tiếp cận các quy định về phi công một cách khác biệt và quyết liệt hơn. Toàn ngành Hàng không đều nhận thấy rằng, quy định này không giúp tăng cường an toàn. Cuối cùng, quy định này làm suy yếu thậm chí là cắt giảm các dịch vụ kết nối tới những khu vực nông thôn, nhỏ bé. Ngoài ra, quy định này còn làm đội chi phí đào tạo”, bà Ornstein nêu ý kiến. 

Giám đốc Điều hành Silver Airways, ông Sami Teittinen cho biết: “Quy định 1.500 giờ bay không mang đến những ứng viên chất lượng cao hơn trước kia. Tôi nghĩ thực tế có khi còn ngược lại”. “Khi phi công chỉ tập trung “cày” số giờ bay cần thiết đủ để đạt yêu cầu và bỏ lỡ những bài đào tạo mới - điều kiện cốt yếu tạo nên sự thành thục trong điều khiển máy bay của phi công”. “Nhiều phi công bay nhiều giờ không thể hiện tốt bằng các phi công khác cùng lớp có ít giờ bay hơn”, ông Teittinen nói. Tham mưu trưởng lực lượng không quân Mỹ, tướng David Goldfein cũng bày tỏ rằng: “Theo ý kiến bản thân tôi, quy định 1.500 giờ là không cần thiết”.

Ngoài vận động Chính phủ xem xét sửa đổi quy định mới, các hãng hàng không khu vực bắt đầu thực hiện những động thái để đón đầu giải quyết khủng hoảng như tăng lương, trả thưởng hấp dẫn đối với những phi công mới. Trước đây, một số hãng hàng không chỉ thưởng khoảng 5.000 USD thì nay nhiều hãng đã thưởng lên tới 20.000 USD/năm. Nhiều hãng còn thực hiện chính sách hoàn tiền học phí cho phi công, hợp tác với các trường dạy bay và các chương trình giúp đào tạo phi công quân sự sang ngành thương mại. Hãng hàng không Mesa hấp dẫn phi công mới với chính sách khuyến khích trong 4 năm lên tới 42.100 USD tiền thưởng bao gồm 22.000 USD sau khi hoàn thành khóa học đào tạo phi công, 5.000 USD lương trong năm thứ hai, thứ ba và 10.000 USD/năm trong năm thứ tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.