Thế giới giao thông

Hàng không Mỹ gắn chip ngăn thất lạc hành lý

14/09/2016, 09:16
image

Hàng không Mỹ rốt ráo cải tiến công nghệ mới nhằm tăng cường khả năng theo dõi, hạn chế thất lạc hành lý.

san bay 1
Sân bay quốc tế McCarran tại Las Vegas áp dụng công nghệ chip trên toàn bộ hệ thống kiểm soát hành lý tại sân bay hơn 10 năm nay và kết quả khá khả quan

Ác mộng hành lý không cánh mà bay

Tháng 7 vừa rồi, cô Shvilla Rasheem, 34 tuổi, nhân viên tư vấn gặp sự cố khi bay chuyến bay của hãng hàng không Southwest Airlines từ Baltimore tới Indianapolis. Cô tá hỏa khi người đã đến nơi mà hành lý vẫn ở đâu đó trên trời. Bản thân nhân viên của Southwest Airlines cũng ngớ người khi nhận được thông tin trình báo. Hay câu chuyện của cô Geri Mitchell, sống tại Seattle. Cô bị thất lạc toàn bộ hành lý trong 4 ngày đến Hawaii để tham dự đám cưới. Mất toàn bộ đồ đạc, cô buộc phải xoay sở đủ kiểu để có quần áo và tư trang sử dụng trong suốt quãng thời gian đó. Đến khi về nhà, nhân viên Sân bay Maui tại Hawaii mới gọi điện báo, hành lý của cô vẫn nằm tại văn phòng thất lạc hành lý ở sân bay này suốt gần 1 tuần. “Cả 5 ngày, không một ai buồn đọc thẻ hành lý còn treo rõ rành rành trên vali để gọi điện cho tôi”, cô Mitchell tức giận nói.

Trong trường hợp bị mất, các hãng hàng không có thể phải bồi thường lên tới 3.300 USD đối với các chuyến bay nội địa. Từ tháng 8/2011, quy định mới yêu cầu các hãng phải hoàn trả hành khách tiền phí kiểm tra hành lý (thông thường khoảng 25 USD trở lên) khi hành lý bị thất lạc.

Thống kê do Công ty Công nghệ hàng không Sita của Mỹ cho biết: Tình hình hành lý bị thất lạc đã giảm đều đặn trong thời gian gần đây. Năm ngoái, tỉ lệ hành lý thất lạc ở mức 6,5/1.000 túi - thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc thất lạc hành lý gây rất nhiều bất tiện cho hành khách và hãng hàng không phải bồi thường không ít.

Sự cố của Rasheem một lần nữa cảnh báo ngành Hàng không cùng các nhà quản lý sân bay của Mỹ phải cải thiện khả năng theo dõi hành lý. Các chuyên gia chỉ ra việc sử dụng hệ thống quét quang học (trong đó, hành lý được gắn các thẻ có mã số để máy quét nhận dạng) mà nhiều hãng đang sử dụng, tồn tại nhiều điểm yếu như: Thẻ gắn mã số có thể bị rách, mờ, nhăn nhúm khiến máy quét không thể đọc. Nếu thẻ hành lý không đọc được, hành lý có thể bị mất mà không ai biết. Đây là lý do để giải thích cho trường hợp của cô Mitchell, có lẽ không ai biết hành lý của cô vẫn chưa được đưa lên máy bay.

Ông Nick Gates, Giám đốc Công nghệ hành lý của Sita cho biết: Mỗi máy đọc mã có tỉ lệ đọc ở 80-95% tổng số mã thẻ hành lý. Nếu các hãng hàng không có thể cải thiện khả năng đọc mã thẻ thì tỉ lệ hành lý thất lạc sẽ giảm mạnh”.

Quản lý hành lý bằng chip

Do vậy, hiện nhiều hãng hàng không đang thử nghiệm cải tiến công nghệ đọc mã thẻ. Ví dụ, hãng Delta Air Lines vốn lắp hệ thống quản lý hành lý sử dụng thẻ mã nay cũng áp dụng thêm hệ thống quản lý dựa trên hệ thống nhận diện tần số vô tuyến (R.F.I.D.) hay còn gọi là chip. Loại chip này chứa thông tin đi lại của khách hàng; Ngoài ra, toàn bộ quá trình di chuyển của hành lý đều được ghi lại. Tới đây, khách hàng còn có thể sử dụng ứng dụng của hãng hàng không để theo dõi hành lý. Delta chi 50 triệu USD vào hệ thống theo dõi hành lý mới bao gồm máy quét, máy in, thẻ có gắn chíp (có cả mã số như thẻ mã hành lý thông thường). Hệ thống này được đưa vào ứng dụng trên 344 sân bay mà Delta hoạt động, dự kiến sẽ hoạt động từ giờ tới cuối tháng.

Trên thế giới, Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới (IATA) ra hạn tới mùa hè năm 2018, toàn bộ 265 thành viên cần phải kiểm tra và theo dấu hành lý - không chỉ trên máy bay của riêng hãng mình mà cả khi hành khách kết nối với các hãng hàng không khác. Giám đốc điều hành IATA, Nick Careen cho biết: “Không cần biết các hãng sử dụng công nghệ gì, chỉ cần biết hành lý phải được theo dõi chặt chẽ khi rời khỏi tay hành khách và có thể tìm lại được trong trường hợp thất lạc”. Nhiều hãng hàng không như: Air France (Pháp), Lufthansa (Đức) và Qantas (Australia) đã và đang thử nghiệm công nghệ chip R.F.I.D, nhưng tại Mỹ công nghệ này không được các hãng địa phương để mắt. Tuy nhiên, sau quyết định thử nghiệm của Delta, có lẽ các hãng sẽ có cách nhìn khác.

>>>Xem thêm video:

Điều trớ trêu, trong khi việc áp dụng R.F.I.D  được coi là bước đột phá trong ngành Hàng không thì công nghệ này đã được áp dụng hàng thập kỷ nay để theo dõi hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Trước đây, không ít chuyên gia như Giám đốc trang web trải nghiệm du lịch FutureTravelExperience.com., ông  Ryan Ghee nhiều lần thắc mắc tại sao không đưa công nghệ này vào áp dụng: “Hãy xem các hãng bán lẻ trực tuyến như Amazon và ngành Vận tải Mỹ. Mọi người đặt hàng và được chuyển ngay tới nơi họ cần. Tất cả các bước trong quá trình vận chuyển đều được theo dõi”.

Sở dĩ các hãng hàng không vẫn chần chừ thay đổi một phần vì: Để nâng cấp công nghệ mới đòi hỏi phải thay đổi cả cơ sở hạ tầng rất tốn kém và gây gián đoạn hoạt động. Mặt khác, các sân bay cho phép mỗi hãng hàng không tự xử lý hệ thống kiểm tra hành lý theo cách của mình nên công nghệ và quy trình quản lý hành lý vô cùng đa dạng và phức tạp. Song, theo kinh nghiệm tại Sân bay quốc tế McCarran (Las Vegas) áp dụng công nghệ R.F.I.D từ năm 2005 thì tính đến năm 2015, đã xử lý 160 triệu hành lý và nhận thấy: “Công nghệ chip R.F.I.D. chính xác đến 99,5%”, trợ lý giám đốc hệ thống thông tin Sân bay McCarran cho biết.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.