Hồ sơ tài liệu

Hàng không Mỹ nín thở chờ được ông Trump bảo vệ

09/02/2017, 06:17

Hôm nay (9/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Giám đốc Điều hành các hãng hàng không Mỹ.

Hôm nay Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Giám đốc

Hôm nay (9/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Giám đốc điều hành các hãng hàng không Mỹ.

Hôm nay (9/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Giám đốc Điều hành các hãng hàng không Mỹ. Cuộc gặp này được các hãng hàng không Mỹ mong chờ từ lâu để giải quyết các vấn đề bức xúc trong cạnh tranh với các hãng hàng không vùng Vịnh.

Háo hức mong đợi

Trước đó, Giám đốc Điều hành (CEO) đến từ ba hãng hàng không lớn của Mỹ (Delta, United, American Airlines) đã viết “tâm thư” gửi lên Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức. Ba CEO Doug Parker (United), Edward Bastian (Delta) và Oscar Munoz (American) cáo buộc các hãng hàng không vùng Vịnh đang được Chính phủ trợ cấp khổng lồ và cướp việc làm của Mỹ.

Ba hãng này đưa ra cáo buộc đầu tiên từ 2 năm trước cho rằng, các hãng hàng không vùng Vịnh được khoản trợ cấp trị giá 50 tỉ USD kể từ năm 2004. “Các hãng hàng không quốc gia: Qatar Airways, Etihad Airways, Emirates được hưởng trợ cấp dồi dào và gần như phá hủy dịch vụ của các hãng hàng không Mỹ tại khu vực Trung Đông và Ấn Độ”, thư viết. “Nếu không ngăn chặn, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các hãng hàng không vùng Vịnh mở rộng trên thị trường Mỹ, làm tổn hại tới những người Mỹ lao động chăm chỉ”.

Nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp và cáo buộc trên liên quan tới gần 120 thỏa thuận bầu trời mở mà Mỹ đã ký kết với các nước, trong đó có Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Qatar. Thỏa thuận này mở cửa cho các hãng hàng không thành viên có thể bay đến bất kỳ thành phố nào có sân bay quốc tế tại nước đối tác, giúp việc đi lại dễ dàng hơn, tăng cường cạnh tranh và giảm giá vé. Nhưng, một số hãng hàng không Mỹ cáo buộc các hãng hàng không vùng Vịnh được trợ cấp sẽ đưa ra nhiều ưu đãi và giảm giá vé thấp hơn, hút khách của các hãng hàng không Mỹ và đó là cạnh tranh không công bằng.

Trong thư, 3 hãng hàng không viết: “Toàn bộ 118 thỏa thuận bầu trời mở giữa Mỹ và các nước khác là nhằm tạo lợi ích đáng kể cho hành khách, công nhân và nền kinh tế Mỹ”. Nhưng “các nước UAE và Qatar đang lạm dụng thỏa thuận trong khi chính quyền Mỹ lại không làm gì để ngăn cản”.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, ba hãng hàng không này cũng yêu cầu Chính phủ đàm phán với Chính phủ Qatar và UAE về vấn đề này. Các cơ quan của Chính phủ đã xem xét cáo buộc nhưng không chính thức tìm cách tái đàm phán các thoả thuận thương mại.

Với chính quyền Tổng thống Donald Trump - vị lãnh đạo điều hành đất nước với quan điểm “nước Mỹ là trên hết”, CEO Delta bày tỏ rất lạc quan, Chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn vào hàng không và bảo vệ hãng hàng không Mỹ trước sức ép cạnh tranh từ các đối thủ Trung Đông. “Chúng tôi chờ đợi và háo hức rất nhiều” - ông Bastian nhận định.

Ông Trump phải cân nhắc những gì?

Ông John Strickland, Giám đốc Công ty Tư vấn JLS cho rằng: “Kết quả của tranh chấp này phụ thuộc vào việc 3 hãng hàng không Mỹ đặt vấn đề và cách họ lập luận về những tổn hại kinh tế và tiêu dùng của Mỹ mà thỏa thuận bầu trời mở với các quốc gia vùng Vịnh gây ra. Mặt khác, Chính phủ ông Trump cũng phải cân đo giữa thiệt hại này với giá trị xuất khẩu máy bay khổng lồ cùng số lượng công việc mà các hãng hàng không vùng Vịnh đem lại cho Mỹ”.

Mặt khác, không phải toàn bộ ngành Hàng không Mỹ đều phản đối thỏa thuận bầu trời mở với hãng hàng không vùng Vịnh. Điển hình, ngày 1/2 vừa qua, trước Ủy ban Giao thông Hạ viện, Chủ tịch kiêm CEO của FedEx, ông Frederick Smith cho rằng, hãng hàng không vận tải này “toàn tâm toàn ý ủng hộ tất cả các thoả thuận Bầu trời mở”. “Cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng khắc nghiệt; Những kiểu mẫu hoạt động mới sẽ thách thức sự độc chiếm của các hãng hàng không truyền thống. Nhiều người cho rằng, thỏa thuận bầu trời mở nên bị hạn chế để bảo vệ các hãng hàng không lớn khỏi hình thức cạnh tranh mới. Nhưng FedEx là một phần trong liên minh của hành khách và các hãng hàng không vận tải, ủng hộ các thỏa thuận Bầu trời mở”, ông Smith nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức vì quyền của người tiêu dùng cũng ủng hộ các hãng hàng không vùng Vịnh vì cho rằng, cạnh tranh như vậy sẽ giúp giảm giá vé.

Ba hãng hàng không vùng Vịnh nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc cạnh tranh không công bằng. Năm 2015, Emirates ra báo cáo chi tiết khẳng định, họ không phụ thuộc vào “trợ cấp, luật phá sản của chính phủ mà hoạt động như một doanh nghiệp thương mại với chiến lược khách hàng là trên hết”. 

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.