Thế giới giao thông

Hàng không Mỹ sẽ đau đầu vì nỗi lo nhân sự

11/01/2020, 07:30

Nhân sự hàng không đòi hỏi tăng lương và phúc lợi, có thể đặt áp lực nặng nề lên gần như tất cả các hãng hàng không ở Hoa Kỳ.

img
Nữ tiếp viên của hãng hàng không American Airlines (Ảnh minh họa)

Năm 2020 hứa hẹn sẽ là năm thứ 10 liên tiếp các hãng hàng không Mỹ đạt lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, lực lượng nhân sự hàng không từ phi công đến nhân viên vận chuyển hàng hóa tiếp tục các cuộc biểu tình đòi hỏi tăng lương và phúc lợi, có thể đặt áp lực nặng nề lên gần như tất cả các hãng hàng không ở Hoa Kỳ.

Hơn 120.000 lao động muốn tăng lương

Năm nay, các hãng hàng không lớn của Mỹ có nhiệm vụ phải đàm phán hàng loạt thỏa thuận lao động với hơn 120.000 nhân viên hàng không để giải quyết những mâu thuẫn đang tồn đọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động hàng không.

Nhiều tháng qua, rất nhiều lực lượng nhân công hàng không biểu tình tại sân bay và nhiều nơi khác đòi tăng lương, yêu cầu sắp xếp lại lịch trình cũng như tạo điều kiện làm việc tốt hơn. Trong đó, các nhân viên thợ máy tại hãng American Airlines đưa ra yêu sách yêu cầu hãng chủ quản phải hạn chế việc thuê ngoài tại các nước mà hãng bay này hoạt động; yêu cầu hãng bay cải thiện lịch trình và tăng khả năng thay đổi chuyến bay.

“Lịch trình là vấn đề số 1 mà chúng tôi quan tâm”, ông Eric Ferguson, Chủ tịch Hiệp hội Liên minh phi công, từng là cơ trưởng máy bay Airbus A320 cho biết. “Điều tôi muốn nói ở đây không chỉ đơn giản là đòi thêm lương mà là giải quyết vấn đề trong cách vận hành”, ông Ferguson nói.

Thực chất, các hãng hàng không cùng công đoàn đã trải qua nhiều cuộc đàm phán trong vài năm trở lại đây. Trong các cuộc đàm phán của Southwest Airlines hồi đầu năm ngoái và American mùa hè vừa qua, Giám đốc điều hành hai hãng hàng không này đổ lỗi cho công đoàn đại diện cho nhân viên cơ khí của hai hãng vì cố tình lãn công nhằm gây áp lực, giành lợi thế trong các cuộc đàm phán hợp đồng kéo dài cả năm trời, làm gián đoạn hoạt động khiến hai hãng phải hủy hoặc chậm trễ hàng nghìn chuyến bay. Song, phía công đoàn từ chối cáo buộc.

Sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, cuối cùng Southwest cũng ngậm ngùi đạt thỏa thuận với lực lượng nhân viên cơ khí vào hồi tháng 3, chấm dứt hơn 6 năm đàm phán với các điều kiện như hợp đồng 5 năm bao gồm 160 triệu USD lương trả chậm và tăng 20% lương.

Trong năm 2020 này, Southwest sẽ tiếp tục đàm phán với nhân viên phi hành đoàn nhưng tạm dừng các cuộc thảo luận với các lực lượng khác như phi công, nhân viên dịch vụ khách hàng…

Phi công và tiếp viên của hãng bay đặt trụ sở ở Dallas này lo ngại tình hình máy bay Boeing 737 MAX bị “đắp chiếu” quá lâu làm tổn thất tới nhân viên hơn 100 triệu USD tiền lương. Công đoàn tiếp viên Southwest năm ngoái yêu cầu hãng này dừng tuyển dụng trong khi Boeing 737 MAX còn chưa được bay trở lại.

Có thể xuất hiện nhiều mâu thuẫn hơn

Không dừng ở đó, theo ông Savi Syth, một nhà phân tích hàng không của Raymond James, trong năm tới, “tại Mỹ, sẽ còn nhiều mâu thuẫn hơn nữa xảy ra”.

Airlines for America (AFA) vừa phát động một chiến dịch để thống nhất các tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Delta Airlines - một hãng nằm ngoài nhóm 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ.

Chủ tịch Quốc tế của Hiệp hội Tiếp viên hàng không, đại diện cho hơn 50.000 thành viên phi hành đoàn đến từ 20 hãng hàng không bao gồm hãng United, bà Sara Nelson cho biết: Lý do người lao động biểu tình “chỉ đơn giản là vì các hãng hàng không thu về nhiều hơn và nhân viên nhận thấy họ cũng góp phần tạo ra những giá trị đó”.

Một thập kỷ trước, các hãng hàng không Mỹ lao đao vì khó khăn khi hàng loạt hãng liên tiếp thông báo phá sản và sáp nhập, để lại 4 hãng hàng không lớn nhất kiểm soát gần 3/4 thị trường.

Tuy nhiên, lợi nhuận đã lên đến đỉnh điểm vào giữa thập kỷ vừa qua. Các nhà phân tích dự đoán, lợi nhuận ròng tại 4 hãng hàng không lớn nhất Mỹ tăng gần 1% từ năm nay lên 12,44 tỷ USD.

“Khi các hãng hàng không kiếm ra tiền, họ không thể không tăng chi tiêu”, ông Kit Darby, nhà tư vấn theo dõi lương của phi công cho biết và nói thêm: “Tất cả chúng ta ai cũng đều muốn kiếm được hợp đồng tốt hơn khi thời cơ thuận lợi. Trước đó, khi các hãng gặp khó khăn, người lao động cũng không đòi hỏi nhiều”.

Tăng chi tiêu, tăng áp lực

Hoạt động đàm phán và giải quyết mâu thuẫn với người lao động được dự đoán sẽ đặt thêm áp lực chi tiêu lên vai các hãng bay. Bởi, chi phí lao động vốn là khoản chi tiêu lớn nhất mà các hãng đang phải gánh, chiếm phần lớn tổng chi tiêu.

Năm ngoái, chi phí lao động đã ngốn của các hãng hàng không Mỹ 28% trong tổng số 187 tỷ USD lợi nhuận, tăng so với 21% trong năm 2008 vì các hãng hàng không thuê thêm nhân công và chịu tăng tiền bồi thường, theo dữ liệu từ Tập đoàn thương mại Airlines for America.

Chưa kể, nếu các hãng bay Mỹ không nhanh chóng đàm phán thì khó khăn thiếu hụt nhân sự mà họ đang xoay sở sẽ càng chồng chất. Các công ty này đang chạy đua tuyển nhân sự mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong khi thị trường lao động hạn hẹp.

Để thu hút nhân sự, hãng United vừa mở chương trình bao gồm các lựa chọn nghề nghiệp có điều kiện để đào tạo phi công, phần nào giải quyết nhu cầu 10.000 phi công trong 10 năm tới.

American công bố chương trình thu hút nhân tài, trong đó đưa các sinh viên đang đào tạo vào làm việc tại các hãng hàng không khu vực nhỏ hơn của mình đồng thời cho sinh viên vay tiền để trang trải học phí.

Tuy nhiên, những kế hoạch thu hút này sẽ khó hấp dẫn nếu các hãng bay chưa thể giải quyết mâu thuẫn với những nhân sự cũ, bởi nó sẽ khiến những người ứng tuyển lo ngại rằng điều kiện làm việc trong tương lai của họ sẽ không được tốt, tạo ra tâm lý dè chừng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.