Hàng không

Hàng không nỗ lực "làm sạch bầu trời"

05/07/2022, 14:34

Lượng CO2 thải ra từ hàng trăm nghìn chuyến bay mỗi ngày đang ảnh hưởng xấu đến môi trường đặt ra bài toán ngành hàng không phải thay đổi.

Nỗi lo phát thải carbon và cuộc đua chống biến đổi khí hậu

Hơn 100 năm kể từ ngày chuyến bay đầu tiên của hai anh em Wilbur và Orville Wright cất cánh, những chiếc máy bay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

Song, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, các chuyến bay vận tải thương mại đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo số liệu của Ủy ban quốc tế về vận tải sạch (ICCT), năm 2019 hoạt động hàng không thương mại thải ra 916 triệu tấn carbon, tăng 29% kể từ năm 2013, 85% lượng khí thải đến từ các chuyến bay vận tải hành khách.

img

Khí thải máy bay là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Ngoài carbon, các chuyến bay còn thải nhiều loại khí khác như oxit nitơ, lưu huỳnh dioxit và các hạt bụi mịn, tất cả đều tác động đến quá trình nóng lên toàn cầu. Theo thống kê, hoạt động của các hãng hàng không thế giới chiếm khoảng 3,5% tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 150 quốc gia đã cam kết mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đóng góp cho nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C và kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Theo Liên Hợp Quốc, nếu lượng phát thải gây biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, nhiệt độ Trái Đất sẽ vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đe dọa đến cuộc sống của người dân toàn cầu.

Khi những chuyến bay tiếp tục được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của con người, tỷ trọng phát thải của hàng không sẽ còn tăng hơn nữa. Tờ Guardian của Anh dẫn nghiên cứu của nhiều chuyên gia cho rằng, lượng phát thải có thể tăng gấp 3 trong ba thập kỷ tới nếu hàng không trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước dịch Covid-19.

Giới phân tích chỉ ra rằng một trong những khó khăn lớn nhất của ngành hàng không giai đoạn sau đại dịch là tìm cách cắt giảm lượng phát thải carbon. Đây không chỉ là trở ngại với riêng ngành hàng không mà còn là một trong những thách thức lớn nhất nhằm chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Trong nhiều thập kỷ qua, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cùng nhiều tổ chức và các quốc gia đã và đang nỗ lực tìm kiếm các mô hình “xanh hóa” và giải pháp nhằm cắt giảm mức phát thải khí CO2.

Mục tiêu không phát thải carbon vào giữa thế kỷ này cũng đã được IATA đưa ra tại hội nghị thường niên tháng 10 năm ngoái. Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA cho rằng: “Đối với hàng không, không phát thải carbon là một cam kết táo bạo, nhưng cũng vô cùng cần thiết”.

Lượng khí thải carbon tăng cao cũng thúc đẩy các hãng hàng không tìm phương pháp nhằm thực hiện các chuyến bay cắt giảm carbon, tiến tới mục tiêu không phát thải carbon.

Cuối tháng 3 vừa qua, Airbus đã thực hiện thành công 2 chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có thành phần là dầu ăn đã qua sử dụng. Malaysia cũng đã thử nghiệm thành công chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng nhiên liệu SAF được sản xuất từ chất thải tái tạo và nguyên liệu thô. SAF được coi là một giải pháp thay thế tiềm năng khi có thể giảm tới 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng đã được nghiên cứu và áp dụng như phát triển và cải tiến động cơ tiết kiệm nhiên liệu, chương trình bù đắp carbon…

Lối đi bền vững

img

Chuyến bay thân thiện với môi trường Fly Green là một trong nhiều chiến dịch Bamboo Airways đã triển khai nhằm giảm thiểu các tác động tới môi trường

Tại Việt Nam, Bamboo Airways đã kiên định theo đuổi chiến lược phát triển bền vững thông qua nhiều chiến dịch, sản phẩm thân thiện với môi trường ngay từ ngày đầu thành lập.

Đến nay, hãng đã tiến hành nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức, giảm thiểu rác thải nhựa trên các chuyến bay, bảo tồn sinh thái tại điểm đến; triển khai kế hoạch mở rộng đội bay với động cơ tiết kiệm nhiên liệu, chương trình tiết kiệm nhiên liệu nhằm xanh hóa các chuyến bay… hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực hàng không, qua đó đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Mới đây, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tiên phong tham gia chương trình đánh giá môi trường do IATA khởi xướng (IEnvA), hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường và củng cố chiến lược phát triển “xanh hóa”. Đây cũng là bước đi tiêp theo nhằm củng cố mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh và vươn tầm quốc tế của hãng.

Ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, trên tiến trình nâng cao hiệu quả khai thác và tuân thủ các giá trị “xanh hoá”, Bamboo Airways đã và đang tiến hành các kế hoạch cải tiến vận hành, đẩy mạnh sáng kiến giảm thiểu tác động tới môi trường mà ngành hàng không đang phải đối mặt ngày nay.

Thực tế, với việc đạt chứng nhận cao nhất của IEnvA, hệ thống quản lý môi trường toàn diện của Qatar Airways đã liên tục tạo ra bước tiến mới trong các chính sách môi trường, áp dụng trong hoạt động vận hành bay, dịch vụ ăn uống và cabin, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ mặt đất, hoạt động bảo trì và sửa chữa…

Hãng hàng không Etihad Airways cũng đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm giảm giảm lượng khí thải CO2 như sử dụng nhiên liệu bền vững, bay đường bay được tối ưu hóa, vận hành các phương tiện điện, làm việc với các đối tác đối tác cùng chí hướng, phát động chương trình thưởng cho khách hàng thân thiết có các lựa chọn sống xanh trong cuộc sống hàng ngày. Tháng 10/2021, Etihad Sirways khai thác chuyến bay bền vững nhất từ trước đến nay của hãng, giảm 72% lượng khí thải carbon so với chuyến bay tương tự được khai thác vào năm 2019.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững trong lĩnh vực hàng không, tiến tới triển khai một cách có tổ chức các hoạt động và sáng kiến bảo vệ môi trường trong chiến lược hành động của Bamboo Airways. Với uy tín của IATA, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc triển khai đánh giá toàn diện về mặt khai thác, bảo dưỡng, quản lý hoạt động… theo tiêu chuẩn của IEnvA sẽ giúp gia tăng khả năng vận hành các chuyến bay thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh hiệu suất khai thác và chất lượng dịch vụ của hãng”, ông Đặng Tất Thắng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.