Vận tải

Hàng không xoay xở phục hồi hậu Covid-19

11/05/2020, 06:31

Mọi kịch bản dự báo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đều bị phá sản, hàng không đang phải đối diện với khó khăn chưa từng có trong lịch sử.

img
Sau mỗi chuyến bay trong mùa dịch, máy bay của Vietnam Airlines đều được khử trùng

Khả năng phục hồi khó có thể diễn ra trong một sớm, một chiều ngay cả khi giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ…

Không còn cao điểm hè

Vừa lướt qua các trang bán vé máy bay trực tuyến, chị Hà (Thái Thịnh, Hà Nội) vừa xuýt xoa: “Vé máy bay hè rẻ quá, bay khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng có hơn 1,2 triệu đồng mà không đi được. Giá phòng cũng rẻ lắm, chỉ bằng khoảng 1/3 năm ngoái. Đợt 30/4 vừa rồi vẫn còn sợ dịch, đến hè thì trẻ con không được nghỉ học. Tiếc thì tiếc vậy nhưng cũng đành chịu”, chị Hà chia sẻ.

Tương tự, anh Mạnh (Tân Mai, Hà Nội) cho hay, năm nào gia đình anh cũng đi nghỉ hè, thường là đi biển một lần nhưng năm nay “đặc biệt” hơn mọi năm vì dịch Covid-19. “Phần vì mấy tháng dịch, kinh tế cũng eo hẹp hơn. Lý do khác là lịch học của con cũng chưa biết như thế nào để đặt vé trước”, anh Mạnh nói.

Anh Luận, phụ trách đại lý du lịch có tiếng ở Hà Nội cho biết, ngay sau khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ, các công ty du lịch đã phối hợp với hãng hàng không đưa ra những sản phẩm cực kỳ hấp dẫn để kích cầu. “Combo vé máy bay + phòng khách sạn 3 ngày 2 đêm nghỉ tại hệ thống khách sạn của Vinpearl, FLC tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cho một người chỉ giao động từ hơn 2,7 - 3,5 triệu đồng, rẻ đến mức không thể rẻ hơn. Kỳ nghỉ hè những năm trước, số tiền này chỉ đủ chi cho vé máy bay giá rẻ. Tuy nhiên, lượng voucher bán được không cao.

Xác định tình trạng chung của những gia đình kiểu như anh Mạnh, chị Hà sẽ rất nhiều, ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay: “Năm nay sẽ không có cao điểm hè. Hàng không sẽ không thể phục hồi ngay được. Dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp”.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT đánh giá tác động của dịch Covid-19, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) Đoàn Hữu Gia dự báo sản lượng bay đi, đến tháng 5/2020 ước đạt 105% so với thực hiện của tháng 4/2020. Từ tháng 6/2020 - 12/2020, sản lượng mỗi tháng ước đạt 120% so với tháng trước liền kề.

Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, trong thời gian dịch bệnh, hoạt động hàng không hầu như bằng 0. Sau khi có chỉ đạo bỏ giãn cách xã hội, thị trường hàng không nội địa có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt. Trong 6 ngày (4 ngày nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5 và 2 ngày tiếp theo đó), các hãng hàng không đã vận chuyển được 230 nghìn lượt khách. Bình quân mỗi ngày là 39 nghìn khách, bằng 38% so với bình quân một ngày của năm 2019”.

“Phản ứng của thị trường là tương đối tốt sau quyết định bỏ giãn cách xã hội”, ông Thắng nói.

Mặc dù vậy, ông Thắng cho rằng, dự báo trong dịp cao điểm hè, lưu lượng khách chỉ bằng 60% của năm 2019. Nguyên nhân là trong dịp hè, học sinh vẫn đi học, lượng khách đi du lịch vẫn giảm. Nhận định về khả năng phục hồi của thị trường, ông Thắng cho rằng, nhanh nhất cũng phải giữa năm sau thị trường nội địa mới có thể phục hồi hoàn toàn. Riêng với thị trường quốc tế phải đến hết năm 2021.

Xoay xở cách nào?

Theo ông Lê Hồng Hà, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh giảm mạnh, có lúc đến 98%, vận tải hành khách của hàng không gần như ngưng trệ, Vietnam Airlines đã phải chuyển hướng sang vận tải hàng hoá. Ước tính trong tháng 5 này, Vietnam Airlines sẽ khai thác tăng hơn 360 chuyến chở hàng hóa quốc tế và nội địa. Doanh thu từ tăng chuyến chở hàng hóa dự kiến đạt hơn 34,5 triệu USD (tương đương 800 tỷ đồng). Khoản thu này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.

Cao điểm từ tháng 4 đến tháng 6, toàn bộ lãnh đạo của Vietnam Airlines từ cấp ban trở lên đi làm việc đầy đủ nhưng không hưởng lương. Cán bộ cấp phòng chỉ hưởng lương tương đương tối thiểu vùng. Lực lượng lao động trực tiếp được giảm xuống phù hợp quy mô sản xuất kinh doanh. 75 - 80% lao động gián tiếp tạm ngừng việc, những lao động còn lại đi làm chỉ hưởng lương chức danh để bảo đảm nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang phối hợp các đơn vị du lịch như công ty lữ hành, khách sạn, resort lớn xây dựng những chương trình bán kích cầu; từng bước giới thiệu các chương trình bán để bắt nhịp dần với sự phục hồi của thị trường du lịch nội địa như chương trình giá vé ưu đãi cho hành trình nội địa, vé mua theo gói… “Đối với thị trường quốc tế, chúng tôi đánh giá Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á sẽ phục hồi nhanh hơn các nơi khác, hãng đang tập trung chuẩn bị nguồn lực, chăm sóc khách hàng, phối hợp xây dựng chương trình phát động bán cho các thị trường này sau khi dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả”, ông Hà cho hay.

Hãng bay tư nhân lớn nhất tại Việt Nam - Vietjet không cách nào khác cũng phải mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát hành thẻ bay Power Pass, tung các chương trình khuyến mãi để kích cầu…

Ngoài ra, hãng Vietjet đã được Cục Hàng không VN cấp phép và bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, giảm chi phí, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Bất chấp những nghi ngờ về năng lực tài chính, khả năng trụ vững sau dịch, hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways vừa công bố một kế hoạch phát triển tới 40 tàu bay ngay trong năm nay. Đại diện Bamboo Airways cho biết, vừa qua, hãng đã xây dựng và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như mua một vé tặng hai vé, thẻ đa năng Bamboo Pass bay không giới hạn...

Về mạng bay, Bamboo Airways tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM với các địa phương để phục vụ nhu cầu của hành khách.

Đối với thị trường quốc tế, Bamboo cho hay, tùy theo tình hình khắc phục dịch bệnh tại các nước bạn, hãng sẽ khôi phục hoạt động trên những đường bay thường lệ đã thiết lập như Hàn Quốc, Đài Loan, Séc. Hãng cũng sẽ tái xúc tiến, xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đang bị tạm hoãn.

Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong quý I/2020, doanh thu hợp nhất của hãng giảm khoảng 26%.

Doanh thu và lợi nhuận của TCT Cảng hàng không VN (ACV), giảm khoảng 24%; sản lượng điều hành bay và doanh thu TCT Quản lý bay VN giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019. “Vận tải hàng không đang diễn ra theo tình huống xấu với hơn các kịch bản đã dự báo, với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019”, ông Ngọc cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.