Kinh tế

Hàng loạt cơ sở sản xuất MBH "tên tuổi" vi phạm

14/09/2014, 15:59

Mặc dù đã có thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường, nhưng không ít cơ sở sản xuất kinh doanh MBH đã bị lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm...

Sau khi Báo Giao thông có bài phản ánh về tình trạng sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng diễn ra tràn lan tại TP HCM, thì mới đây, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Vĩnh Long vừa công bố kết quả các đợt kiểm tra chất lượng MBH lưu thông trên thị trường từ đầu năm 2014 đến nay.  

Một cơ sở sản xuất MBH có giấy phép bị phát hiện sai phạm về chất lượng và kiểu dáng
Một cơ sở sản xuất MBH có giấy phép bị phát hiện sai phạm về chất lượng và kiểu dáng

Cụ thể, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra 23 cửa hàng bán MBH. Thế nhưng theo kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cho thấy, có 8 mẫu sản phẩm hàng hóa có “tên tuổi” không đạt yêu cầu chất lượng (trong tổng số 15 mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, chiếm 53,3% số lượng).

Bên cạnh đó, qua kiểm tra phát hiện trong 9 cơ sở vi phạm trên thì có đến 8 cơ sở vi phạm chất lượng, còn 1 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt hơn 29 triệu đồng. Mẫu vi phạm mang nhãn hiệu Nabico, mã hàng T1 do Công ty TNHH MTV Nabico sản xuất (60/7 Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM); mẫu vi phạm là Napoli, kiểu N019 do cơ sở Sóng Hùng sản xuất (137/198 Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú); mẫu vi phạm là Nana, mã hàng No4 do cơ sở Trương Thị Nội sản xuất (283 đường Kênh Tân Hóa, Hòa Thạnh, Tân Phú); mẫu vi phạm GRS, kiểu A33K do Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại Hoàng Quán sản xuất (4A15 đường Thanh Niên, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh – vi phạm nhãn hàng hóa); mẫu vi phạm Asian, mã hàng A1 do Công ty TNHH thương mại, sản xuất Kim Tú sản xuất (183/36 đường 3/2, phường 11, quận 10); vi phạm trong việc bán mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hiệu Yamaha AT Automatic; vi phạm MBH Via Helmet, mã hàng: TVP-VIA 03K do Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại Tân Vạn Phước (địa chỉ 101/51AD Phạm Đình Hổ, phường 6, quận 6) sản xuất; vi phạm MBH Imode Helmest, mã hàng: 183F do Công ty TNHH Long Huei (23DT 743 KCN Sóng Thần 2, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sản xuất; vi phạm MBH GRS, kiểu A33K do Công ty TNHH sản xuất, thương mại Hoàng Quán (4A15 đường Thanh Niên, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) sản xuất.

Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Tp. Hà Nội thông tin, chỉ trong tháng 7 vừa qua, PC46 Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 5.000 MBH không đạt chất lượng. Cụ thể, trong tháng 7/2014, PC46 Hà Nội tổ chức kiểm tra tại 6 điểm kinh doanh MBH lớn trên địa bàn Tp. Hà Nội, lấy 21 mẫu mũ của 11 nhà sản xuất phân phối ngoài thị trường để kiểm định chất lượng tại Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN).

Dù tất cả mẫu mũ được kiểm định đều dán tem hợp quy CR và các cơ sở kinh doanh đều có hoá đơn chứng từ, giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan chức năng cấp nhưng kết quả kiểm định 21 mẫu mũ trên thì có tới 17 mẫu mũ (của 8 nhà sản xuất - chủ yếu tại TP HCM) không đảm bảo chất lượng như công bố. Cụ thể: 8 nhà sản xuất vi phạm bao gồm Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển công nghệ Sơn Tùng; Công ty TNHH sản xuất thương mại kỹ thuật Á Châu; Cơ sở sản xuất Sóng Hùng; cơ sở sản xuất Trương Thị Nội; Công ty TNHH Tân Vạn Phước; Công ty TNHH sản xuất thương mại Hoàng Quán và Công ty TNHH một thành viên Nabico (đều có địa chỉ kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh); Công ty TNHH CN Long Huei (địa chỉ kinh doanh ở Hà Nội).

Như vậy, chỉ mới qua 2 tỉnh, thành phố công bố kết quả kiểm tra đã có tới 5 doanh nghiệp vi phạm tại 2 nơi gồm: Napoli (cơ sở Sóng Hùng); Nana (cơ sở Trương Thị Nội); GRS (Công ty Hoàng Quán); Andes (Công ty Longhuei) và TVP (Công ty Tân Vạn Phước). Điều đáng nói là 5 cơ sở, công ty sản xuất nêu trên đều được kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.

Có thể nói, việc công bố danh sách những công ty, sản phẩm không đạt chất lượng là hết sức cần thiết để giải quyết tận gốc vấn đề. Vậy mà, không hiểu vì sao MBH kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường? Rõ ràng, để giải quyết triệt để vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc giám sát cũng như công bố đầy đủ kết quả từ việc kiểm tra, xử phạt nêu trên. Và cũng chỉ có thể kiểm soát tốt nếu các cơ quan chức năng, chính quyền mỗi địa phương vào cuộc tích cực, đồng bộ với tâm thế kiên quyết không chấp nhận sống chung với sản phẩm kém chất lượng. Có như vậy, mỗi kế hoạch, mỗi chương trình hành động mới thực sự hiệu quả thay vì chỉ như "ném đá ao bèo".

Mai Văn Huyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.