Xã hội

Hàng loạt dự án đua nhau “xẻ thịt” hồ Đại Lải

06/07/2020, 06:16

Hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đua nhau “xẻ thịt” hồ Đại Lải trong sự “làm ngơ”, thậm chí “bật đèn xanh” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

img
Theo đại diện Chi cục Thủy Lợi tỉnh Vĩnh Phúc, tới nay diện tích của hồ Đại Lải chỉ còn khoảng 377,8ha thay vì 532ha như ban đầu

Không chỉ có Công ty TNHH Đại Lải mà nhiều doanh nghiệp khác trong suốt hơn 10 năm qua đã đua nhau “xẻ thịt” hồ Đại Lải trong sự “làm ngơ”, thậm chí “bật đèn xanh” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Những cuộc “đổ bộ” lấp hồ không cần giấy phép

Những ngày qua, dư luận xôn xao về loạt bài điều tra “Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng” của Báo Giao thông, phản ánh việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam lấp hồ Đại Lải. Tuy vậy, đây chỉ là một trong những hoạt động “đổ bộ” lấp hồ diễn ra suốt nhiều năm qua.

Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã đề xuất với UBND tỉnh 3 phương án xử lý việc lấn chiếm hồ Đại Lải gồm: Khôi phục nguyên trạng những nơi bị các doanh nghiệp lấp hồ; đề nghị rút mực nước dâng bình thường xuống còn 21m; phương án thứ 3 là mở rộng tràn của hồ Đại Lải”.

Trong 3 phương án này, phương án đề nghị rút quy định mực nước dâng bình thường rất dễ thực hiện nhưng đây chính là cách hợp thức hóa việc lấp hồ, khiến lòng hồ Đại Lải bị thu hẹp lại.
Ông Phạm Văn Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc)


Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngày 31/3/2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định 888/QĐ-UB chấp thuận dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nghỉ ngơi và vui chơi giải trí Trại Thị - khu du lịch Đại Lải.

Theo quyết định này, tổng diện tích đất của dự án (cả mặt nước) là 30,1ha. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhật Hằng với vốn đầu tư 102,377 tỷ đồng. Dự án sẽ được hoàn thiện vào năm 2006.

Theo tính toán của chủ đầu tư, sau hơn 6 năm sẽ thu hồi vốn; đặc biệt tổng doanh thu của dự án sẽ đạt tới 206,397 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh doanh đất đầu tư xây dựng hạ tầng đã là 169,629 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 15/12/2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 5158 sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 888, đổi tên dự án thành: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải; Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng.

Mặc dù tổng diện tích của dự án vẫn là 30,1ha, nhưng trong quyết định điều chỉnh này đã thu hẹp diện tích đất trồng cây xanh và giao thông, điều chỉnh diện tích đất xây dựng nhà ở biệt thự từ 6,25ha lên 8,44ha; đất xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh, dịch vụ từ 5ha lên 7,54ha.

Tới nay, dự án đổi tên thành Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort. Công ty Nhật Hằng đã đắp đất, ngăn hồ, tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m, cao trình mặt đường khoảng 21,70m, diện tích hồ bị ngăn là 4,2ha.

Ngoài ra, khu diện tích rộng hàng chục ha khác cũng được chủ đầu tư thực hiện san nền xây biệt thự. Toàn bộ diện tích này nằm dưới cao trình thấp hơn mực nước dâng bình thường, tức nằm trong lòng hồ Đại Lải. Toàn bộ công trình xây dựng chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.

Nằm giữa hồ Đại Lải vốn trước đây là Đảo Ngọc nên thơ. Năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 4503 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 khu du lịch Đảo Ngọc, có cốt nền thấp nhất 21m (thuộc diện tích lòng hồ).

Tới nay, chủ đầu tư khu du lịch Đảo Ngọc là Công ty TNHH Đạt Tiến đã đóng cọc, đổ bê tông, đổ đất chiếm hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao), lấp lòng hồ, trồng cây xanh, làm đường dạo bằng bê tông ven hồ.

Kết luận thanh tra số 10 ngày 2/1/2019 của Sở TN&MT Vĩnh Phúc khẳng định, diện tích đất bị lấn chiếm là 15.599m2. Quá trình xây dựng, lấn chiếm lòng hồ Đại Lải, Công ty Đạt Tiến không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Công ty này cũng không có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.

Một dự án nhiều “tai tiếng” khác đã xâm phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ hồ Đại Lải là Khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải. Từ năm 2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 320 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Đại Lải giao cốt nền thấp nhất 21,5m (có phần giao nằm trong vùng phụ cận hồ từ cao trình 21 - 23m).

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, tại bản vẽ mặt bằng có 2 lô đã đổ đất san nền từ cao trình 21,18 - 22,40m đều nằm trong phạm vi bảo vệ hồ. Tới nay, Công ty Hồng Hạc Đại Lải đã tiến hành xây nhiều biệt thự đồng thời đang thi công hạ tầng khu bán đảo Nam.

Tại kết luận 253 của Tổng cục Thủy lợi đã thẳng thắn chỉ rõ: Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình đã làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa.

Việc này đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ, vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Việc đổ đất tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới mặt nước dâng hoàn toàn (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi. Việc làm này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp đã vi phạm Luật Đất đai.

Từ 532 ha còn 377,5ha?

img
Đảo Ngọc giữa hồ Đại Lải mọc lên những công trình kiên cố, trong khi diện tích ven hồ cũng dần thu hẹp lại sau khi hàng nghìn khối đất được đổ xuống để tạo cốt nền xây dựng

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hồ Đại Lải là công trình thủy nông nhân tạo khổng lồ, được khởi công xây dựng từ năm 1959, có diện tích lưu vực 60,1km2, diện tích mặt nước là 532ha.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Vĩnh Phúc, tới nay diện tích của hồ còn khoảng 377,8ha.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Trước những sai phạm này, Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc dừng toàn bộ hoạt động đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi lòng hồ, đồng thời khắc phục tồn tại đối với hoạt động lấp hồ”.

Thế nhưng hiện các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc chưa ra được kết luận kiểm tra, chưa xử phạt được doanh nghiệp vi phạm nào.


Từng tham gia xây dựng nên công trình thủy nông hồ Đại Lải, cụ Nguyễn Văn Bình (80 tuổi, ở TP Phúc Yên) xót xa: “Mặt hồ giờ đây gần như đã bị vây kín bởi các dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng, biệt thự… Hồ ngày càng hẹp lại, người dân chúng tôi muốn vào hồ cũng vô cùng khó khăn”.

Theo những cán bộ Tổng cục Thủy lợi, hồ Đại Lải phải hứng chịu 2 đợt “đổ bộ” lấp hồ: Đợt thứ nhất đầu những năm 2000 và đợt thứ 2 chính là giai đoạn hiện nay.

Diện tích hồ Đại Lải giờ đây là 532ha như ban đầu, còn 377,5ha như thông tin của đại diện Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc hay ít hơn nữa? Chưa một cơ quan chức năng nào của tỉnh Vĩnh Phúc trả lời được câu hỏi này.

Để rộng đường dư luận, hơn một tuần qua, PV Báo Giao thông đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND TP Phúc Yên, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và trực tiếp liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, nhưng đều không nhận được hồi âm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.