Hạ tầng

Hàng loạt dự án đường sắt mới đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư

18/12/2019, 11:31

Nhiều tuyến đường sắt mới sẽ được nghiên cứu, tìm kiếm nguồn lực đầu tư để thực hiện chiến lược phát triển GTVT đường sắt...

img
Theo quy hoạch, dự kiến đến 2030, một số đoạn tuyến dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ hoàn thành, đi vào khai thác nếu được thông qua chủ trương đầu tư - Ảnh: minh họa

Nghiên cứu đầu tư nhiều dự án lớn

Theo chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 định hướng là ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có. Cùng đó sẽ nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam. Nghiên cứu đầu tư mới tuyến đường sắt khổ 1.435mm nối TP. Hồ Chí Minh với TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh với TP. Vũng Tàu.

Cụ thể, theo quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đối với mạng đường sắt quốc gia, có 8 dự án, tuyến đường sắt hiện có cần nâng cấp tuyến đạt tiêu chuẩn kĩ thuật đường sắt quốc gia.

Đáng lưu ý, trong thời gian này sẽ nghiên cứu đầu tư 18 dự án, tuyến đường sắt xây dựng mới trên các trục chính thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang; Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, dài 129km, với khổ đường 1.435mm và 1.000mm, quy mô đầu tư đường đơn, đầu tư trong giai đoạn đến 2020.

Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dài 380km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, đầu tư trong giai đoạn 2020-2030 và giai đoạn sau 2030. Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, dài 84km, với khổ 1.435mm; Về quy mô đầu tư, đoạn Biên Hòa - Thị Vải sẽ làm đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu sẽ làm đường đơn; giai đoạn đầu tư đến 2020.

Quy hoạch cũng xác định cần đầu tư mới tuyến TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau, dài 320km, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu tư từ 2020-2030 và giai đoạn sau 2030. Tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, dài 119km, khổ đường 1.435mm, đường đơn, giai đoạn đầu tư từ 2020-2030 và giai đoạn sau 2030.

Nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đắk Nông - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước dài khoảng 550km, Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 169km, Đắk Nông - Bình Thuận 121km.

img
Nhiều dự án tuyến đường sắt mới chưa tìm được nguồn vốn đầu tư. Ảnh: Tuyến đường sắt mới Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân hiện mới chỉ làm được một số công trình, đang bị đình lại vì thiếu vốn, nên toàn tuyến chưa thể đi vào khai thác

Nhiều dự án đường sắt mới không có vốn, chưa kêu gọi được nhà đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Hợp tác quốc tế Cục Đường sắt VN cho biết, do nguồn vốn Nhà nước hạn hẹp nên những năm qua mới chỉ đáp ứng được 2-3% nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường sắt. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt trong tổng thể nguồn vốn được bố trí qua Bộ GTVT là 28.002 tỷ trên tổng số 227.841 tỷ đồng, chỉ chiếm 12,29%. Tuy nhiên, số vốn này chủ yếu dành cho nâng cấp, cải tạo đường sắt hiện có, không có vốn cho đầu tư tuyến mới.

Với đường sắt hiện hữu, vốn Nhà nước cấp những năm qua cũng phục vụ chủ yếu mục tiêu gia cố, nâng cấp cải tạo, đảm bảo an toàn và từng bước nâng cao năng lực chạy tàu trên hai tuyến trọng yếu là Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - Lào Cai nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển hài hòa các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây; chưa có đoạn tuyến đường sắt nào được vào cấp, đạt tiêu chuẩn kĩ thuật theo quy định.

Với đường sắt mới, theo ông Thịnh, hiện chỉ làm mới một vài công trình, đoạn tuyến ngắn tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân khổ 1.435mm. Tuy nhiên, tuyến này đang xây dựng dở dang cũng phải đình lại vì thiếu vốn nên chưa thể khai thác.

Một số dự án đầu tư tuyến đường sắt mới đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa tìm kiếm được nguồn vốn đầu tư. Có thể kể đến tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, kế hoạch hoàn thành vào 2030, tổng mức đầu tư 1.555 triệu USD; Tuyến TP. HCM - Lộc Ninh, dài 129km, kế hoạch hoàn thành vào 2030, tổng mức đầu tư 948,6 triệu USD; Tuyến TP. HCM - Vũng Tàu dài 102km, chia 2 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 1 đến 2030, giai đoạn 2 sau 2030, tổng mức đầu tư 2,7 tỉ USD.

Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, trình các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

“Để thực hiện các dự án theo chiến lược, quy hoạch trên sẽ phải tìm kiếm nguồn lực đầu tư từ cả Nhà nước và khối tư nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Cùng đó Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư khối tư nhân, có vậy mới thực hiện được chiến lược đã đề ra trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp hiện nay”, ông Thịnh nói.

img

Xử vụ MobiFone mua AVG: Đại diện Bộ TT&TT, AVG xin giảm nhẹ tội cho bị cáo

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.