Pháp luật

Hàng loạt giáo viên dạy lái xe sử dụng chứng chỉ sư phạm giả

25/10/2014, 08:54

Hàng loạt giáo viên dạy nghề lái xe tại Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An (TP.Huế) sử dụng giấy chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả.

Cơ sở Tâm An. Ảnh: Võ Thanh
Cơ sở Tâm An. Ảnh: Võ Thanh

1 trung tâm có tới 15 giáo viên sử dụng chứng chỉ sư phạm giả

Ngày 23/10, cơ quan CSĐT CA  tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã quyết định khởi tố 6 đối tượng gồm: Nguyễn Công Anh (1978, Nghệ An), Đoàn Phước (1956, trú TP.Huế), Hồ Văn Thủy (1973, trú TP.Huế), Phạm Viết Quang (1965, trú đường Nguyễn Tri Phương, TP.Huế, TT-Huế), Nguyễn Kim Hồng (1964) và Đậu Thị Tuyết (1969, đều trú Nghệ An) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy: Năm 2012, Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái ô tô hạng B1 và B2 do Công ty TNHH May Ý Việt làm chủ đầu tư, cần tuyển dụng hơn 30 giáo viên dạy lái xe cả lý thuyết và thực hành.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra về đường dây sử dụng bằng sư phạm lái xe giả tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, cơ quan CSĐT CA tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát hiện có 15 giáo viên đã sử dụng chứng chỉ sư phạm giả trong số 30 giáo viên được tuyển dụng tại Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An.

Tại cơ quan điều tra, các trường hợp sử dụng chứng chỉ sư phạm giả  tại Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An khai nhận: Thông qua Đoàn Phước (nguyên là nhân viên tuyển sinh của Trung tâm) đứng ra nhận tiền của 6 trường hợp (3 đến 8 triệu đồng/trường hợp) để làm chứng chỉ giả xin vào làm giáo viên tại Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An.

Phước móc nối với Nguyễn Kim Hồng. Sau đó, Hồng giao cho Đặng Thị Tuyết móc nối với một đối tượng khác (hiện cơ quan CA đang điều tra) để sản xuất hàng loạt chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả dưới danh nghĩa Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.

Mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế đã phát hiện có 4 giáo viên mua chứng chỉ sư phạm giả của Trường ĐHSP kỹ thuật Vinh do Nguyễn Công Anh (1978, trú Nghệ An) làm giả. Anh đã trực tiếp sử dụng máy tính, máy in màu, máy ép plastic để làm các chứng chỉ dựa trên các mẫu có sẵn trên máy tính và USB.

Các mẫu chứng chỉ này, Anh xin của ông Trần Hồng L., sau đó nhờ sinh viên coppy sang máy tính của Anh, trong đó đã có dấu tròn đỏ của Trường ĐHSP kỹ thuật Vinh. Tiếp đó, Anh đồ dấu tròn để tạo dấu nỗi vào hai mặt tương ứng trên góc có dán ảnh, sau đó dùng keo dán, dán 2 mặt giấy lại với nhau và ép plastic.

Tiếp tay đường dây làm chứng chỉ giả

Mở rộng điều tra về đường dây làm chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả, cơ quan CSĐT CA tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng phát hiện một số giáo viên Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An đã móc nối với các đối tượng làm chứng chỉ giả để kiếm lợi bất chính.

Ngoài Đoàn Phước (nguyên là nhân viên tuyển sinh của Trung tâm) đứng ra nhận tiền của 6 trường hợp (3 đến 8 triệu đồng/trường hợp) để làm chứng chỉ giả cho các giáo viên xin vào dạy nghề tại Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An; giáo viên Hồ Văn Thủy (1973) Trung  tâm Đào tạo nghề Tâm An tiếp tay cho các đối tượng “nhân bản” chứng chỉ sư phạm.

Theo đó, Thủy đã đưa chứng chỉ sư phạm thật của mình cho 1 đối tượng tên Nhân, rồi tên này đưa cho 1 đối tượng khác (cơ quan CA đang điều tra) thay đổi tên họ và dựa trên cơ sở chứng thỉ thật để làm các chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả. Hiện, cơ quan CA đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hồ Văn Thủy.

Ngay sau khi có thông báo của cơ quan CA, ngày 1/10/2014, Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An đã có quyết định: “Tạm ngưng công tác giảng dạy thực hành đối với giáo viên Hồ Văn Thủy”.

Theo cơ quan CA tỉnh Thừa Thiên – Huế, đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ đường dây làm chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả hoạt động như thế nào và mở rộng điều tra những đối tượng có liên quan đến đường dây.

Võ Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.