Doanh nghiệp

Hàng loạt “ông lớn” lọt tầm ngắm điều tra chuyển giá

20/07/2018, 06:50

Việc truy thu thuế Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý Thuế...

11

Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn

Nhiều cái tên đình đám như: PepsiCo, Coca Cola, Adidas Group... đã nằm trong diện nghi ngờ chuyển giá cả chục năm nay nhưng ngành thuế vẫn loay hoay chưa làm rõ được. Chính vì thế, nhiều chuyên gia kỳ vọng cục diện “cuộc chiến” chống chuyển giá sẽ thay đổi khi Kiểm toán Nhà nước nhập cuộc thời gian tới.

Sabeco: Nghi vấn tiêu biểu

Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 (bổ sung lần 2) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa được gửi đến cổ đông cách đây mấy ngày, trong đó chỉ đề cập tới một số nội dung như sửa điều lệ, thay đổi cơ cấu nhân sự, sửa đổi ngành nghề kinh doanh. Còn một nội dung rất quan trọng không được nhắc đến liên quan tới nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước là xử lý gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận không chia hết năm 2016 trở về trước phải nộp vào ngân sách theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ban hành hồi tháng 2/2018. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP HCM truy thu gần 2.500 tỷ đồng tiền Thuế Tiêu thụ đặc biệt của Sabeco do giai đoạn 2010-2014 có thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty CP Thương mại khu vực. Trước đó nữa, KTNN cũng đã kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 đối với Sabeco 408,8 tỷ đồng.

Vụ việc tại Sabeco được Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đưa ra tại Hội thảo “Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” do KTNN phối hợp tổ chức ngày 19/7 tại Hà Nội, là một ví dụ tiêu biểu với “dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước”. Ông Phớc cũng cho biết, thời gian qua, KTNN đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.

Theo kết quả khảo sát tại một số địa phương, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề: Gia công may mặc; da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến… Đặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ (trong khi, các doanh nghiệp may mặc trong nước đều có lãi). Thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Đoàn Duy Tiên, Phó tổng KTNN dẫn con số tại Bình Dương: Số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ 2010 là 754/1.490 doanh nghiệp (chiếm 50,6%); Trong đó, có 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu. Còn tại TP HCM và Đồng Nai, tỷ lệ doanh nghiệp FDI khai lỗ lần lượt là 60% và 52,2%. Những cái tên đình đám hơn trong các ngành nghề khác liên tục được nhắc tới trong nghi án chuyển giá là Coca Cola Việt Nam, Metro Việt Nam, Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiệu, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực 5, thanh tra chuyển giá tới nay mới ở mức vừa đấu tranh vừa hiệp thương, thỏa thuận với đối tượng chứ chưa dựa vào quy định về chuyển giá nên chưa răn đe. Chính vì thế, các đối tượng mới bị kiến nghị truy thu thêm tiền thuế chứ chưa bị xử phạt vì hành vi chuyển giá.

KTNN sẽ “sờ gáy” cả doanh nghiệp FDI

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, việc truy thu thuế Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ.

Một số ý kiến cho rằng nếu KTNN “ôm” thêm cả kiểm toán chuyển giá có thể là quá tải và chồng chéo với hoạt động của ngành thuế. Tuy nhiên, KTNN khẳng định, cơ quan này kiểm soát hoạt động chuyển giá trên cơ sở Hiến pháp và Luật KTNN sửa đổi năm 2015 cũng như các quy định khác về KTNN. Trong đó, quy định rõ, KTNN thực hiện kiểm toán tài chính công, kiểm toán thu thuế tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và hoàn toàn có đủ khả năng, cơ sở kiểm tra hoạt động chuyển giá trên địa bàn thông qua việc kiểm toán thu ngân sách tại các địa phương.

Do đó, KTNN cho biết thời gian tới sẽ xem xét lựa chọn các cuộc kiểm toán chuyên đề hay kiểm toán hoạt động kê khai nộp thuế, đối tượng giao dịch liên kết trong mọi thành phần kinh tế, không loại trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân. Để đối chiếu thông tin liên quan tới công tác quản lý, KTNN cũng kiểm toán các đơn vị như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đơn vị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Từ đó đưa công tác chống chuyển giá, giao dịch liên kết của các đơn vị, các tập đoàn vào nhiệm vụ trọng yếu.

TS. Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) cũng kiến nghị, về lâu dài cần xây dựng Luật Chống chuyển giá. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý Thuế Thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Tài nguyên...”, ông Hải nói và cho rằng, phải đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Dân sự…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.