Hạ tầng

Hàng nghìn km đường ở Thanh Hóa sẽ được điều chỉnh theo quy hoạch

27/02/2023, 22:02

Theo quy hoạch, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.

Ngày 27/2, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

img

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, trong tương lai hạ tầng giao thông Thanh Hóa sẽ có nhiều thay đổi với diện mạo mới

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu.

Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

img

Trong tương lai không xa, các trung tâm logistics sẽ được hình thành

Quy hoạch cũng đưa ra chi tiết phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh; Phương án phát triển nguồn điện và mạng lưới cấp điện; Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; Phương án phát triển hạ tầng thương mại; Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước; Phương án phát triển các khu xử lý chất thải; Phương án phát triển hạ tầng xã hội…

Đối với hạ tầng giao thông, ngoài tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Đường ven biển; Đường sắt; Đường thuỷ; Hàng không thực hiện theo quy hoạch quốc gia, về hạ tầng giao thông đường tỉnh cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp.

Trong đó, quy hoạch điều chỉnh 63 tuyến đường tỉnh hiện tại với tổng chiều dài 1.499,67km; Nâng cấp 99 tuyến đường huyện, đường đô thị lên đường tỉnh và điều chuyển 2 tuyến quốc lộ thành đường địa phương với tổng chiều dài khoảng 2.044,35km.

Đơn cử như, chuyển QL10 đoạn từ huyện Hậu Lộc (Km 211+400) đến TP Thanh Hóa (Km231+667) thành đường địa phương sau khi đầu tư xây dựng đoạn QL10 kéo dài từ Hậu Lộc đến Quảng Xương; Chuyển đoạn Km0+00-Km3+200 QL47B hiện trạng thành đường địa phương. Chuyển đường CHK Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn thành QL47B...

Nâng cấp tuyến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn, phía Bắc cầu Ghép QL1A - đường ven biển (đường Minh Khôi - Bắc cầu Ghép) hiện đang là đường cấp VI, GTNT cấp A sẽ quy hoạch thành đường cấp III; Tuyến đường nối QL217B, QL217,QL45,QL47C và QL47; Tuyến đường nối Khu du lịch Bến En với đường bộ cao tốc Bắc - Nam và khu du lịch biển Quảng Lợi đều quy hoạch đường cấp III đồng bằng...

Năm 2030, đưa vào quản lý khai thác 818,5km đường thuỷ nội địa; Quy hoạch 7 cảng thuỷ nội địa gồm 1 cảng khách Hàm Rồng; 6 cảng tổng hợp hàng hóa: Hoằng Lý, Đò Lèn, Hải Châu, Bình Minh, Lạch Trường, Mộng Giường. Còn bến thuỷ nội địa sẽ quy hoạch 8 bến để phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Riêng về cảng cạn và trung tâm logistics sẽ quy hoạch xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn; trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP Thanh Hóa với quy mô khoảng 10 ha và trung tâm logistics tại khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng với quy mô khoảng 20 ha.

Về nhiệm vụ phát triển không gian lãnh thổ, quy hoạch đề ra phương án quy hoạch xây dựng 5 vùng liên huyện và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực cùng các hành lang kinh tế.

Phương án tổ chức không gian phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo; tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2 ha. Phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5 ha. Sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872 ha.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25 ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65 ha...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.