Lối sống

Hàng nghìn người chen chân ở Lễ hội Cầu Ngư lớn nhất xứ Thanh

27/03/2019, 10:28

Lễ hội Cầu Ngư lớn nhất tỉnh Thanh Hóa đã thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về xem trong sáng nay (27/3).

img
Sáng ngày 27/3 (tức 22/2 Âm lịch) tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) diễn ra lễ hội Cầu Ngư

Sáng ngày 27/3 (tức ngày 22/2 Âm lịch), xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã tổ chức lễ hội Cầu Ngư năm 2019. Việc tổ chức lễ hội này có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh, văn hóa vùng biển, nhân dân trong xã chuẩn bị các vật tế lễ cầu mong trời yên biển lặng, thuận lợi cho mùa vụ đánh bắt cá trong năm.

img
Hàng nghìn người chen chân đến dự lễ hội

Theo lời kể của các bậc cao niên trong xã thì lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ tên lễ hội Cầu Mát của cư dân làng Diêm Phố có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Lê. Các vị thần được thờ ở Lễ hội này là Tam Bảo Phật, Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân… Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã đồng thời cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất của khu vực ven biển Tỉnh Thanh Hóa. Bởi vậy mà công tác chuẩn bị cho lễ hội hết sức cẩn thận và chu đáo.

Anh Nguyễn Văn Thành, người dân ở đây cho biết: Hễ cứ đến ngày này là người dân chúng tôi phải gác hết lại công việc để đi xem lễ rước Kiệu, rước Long Châu. Người dân chúng tôi mong muốn một năm gặp nhiều thuận lợi.

img
Lễ rước Kiệu

Lễ hội Cầu Ngư bao gồm hai phần rõ rệt: Phần Lễ và phần Hội, trong đó phần Lễ là phần đóng vai trò quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhất.

Mở đầu phần Lễ là rước thuyền Long Châu (một lễ vật quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư) và rước kiệu vua được bà con tổ chức trang nghiêm bày tỏ tình đoàn kết giữa các vạn chài, mong thần linh chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển.

img
Để rước Long Châu (thuyền rồng) thì hàng chục trai tráng có sức khỏe được chọn lựa để khiêng một chằng đường dài

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các dòng họ trong xã đến cầu khấn mong cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc.

Tiếp theo là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, mang đậm nét văn hoá truyền thống vùng biển như: thi câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thuỷ…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.